Một bệnh nhân 66 tuổi, ở Bắc Ninh được mổ ung thư trực tràng nhưng lại phát hiện cả vòng tránh thai ở ngăn tử cung sát trực tràng. Một trường hợp khác bệnh nhân 75 tuổi ở Vĩnh Phúc bị ung thư dạ dày, khi phẫu thuật ổ bụng cho bệnh nhân, bác sĩ tìm được chiếc vòng tránh thai chui lên bám dính ở u mạc treo ruột non. Rất may là ở cả hai trường hợp này, bệnh nhân chưa bị biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Khoa ngoại C, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, không ít lần mổ ổ bụng cho bệnh nhân ung thư, các bác sĩ lấy được vòng tránh thai đi lạc từ tử cung lên ổ bụng, thường là do người bệnh quên. Sau khi đặt vòng tránh thai chị em nên đi khám định kỳ để kiểm tra vị trí, tình trạng chiếc vòng. Ảnh minh họa: Dương Ngọc. Những trường hợp để quên vòng trong cơ thể mấy chục năm như trên không phải là hiếm gặp. Bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, ông từng phẫu thuật cho nhiều trường hợp vòng chui vào mặt trước dính vào bàng quang gây tổn thương bàng quang hoặc chui lên ổ bụng, chui vào khúc ruột gây hoại tử, tắc nghẽn... Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng từng cấp cứu một bệnh nhân đã 78 tuổi ở Bắc Giang vì vòng tránh thai "đi lạc". Do nằm quá lâu trong cơ thể, chiếc vòng trong tử cung di chuyển vào ổ bụng. Một quai ruột đã chui vào lỗ trên vòng, làm nghẹt khiến đoạn ruột bị hoại tử. Điều này khiến bệnh nhân đau quanh rốn, không đi tiểu tiện được. Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội), vòng tránh thai là một dụng cụ bằng nhựa hoặc bằng đồng được đặt vào trong tử cung của người phụ nữ nhằm ngăn trứng làm tổ trong tử cung, có thể có hình chữ T, hình số 8… Những trường hợp gặp biến chứng thường là do đặt vòng quá lâu, có những người sau tuổi mãn tính, tuổi đã về hưu mới nhớ đến chiếc vòng. Vòng tránh thai hiện đại thường có dây, nên việc lấy ra hết sức đơn giản. Tuy nhiên, nếu để quá lâu đây đã bị đứt thì việc lấy ra vô cùng khó khăn. Chưa kể, có trường hợp tử cung sau khi được đặt vòng thì tăng cường co bóp, khiến vòng có thể bị đẩy lún sâu dần vào lớp cơ của tử cung. "Quá trình này diễn ra từ từ và không gây ra triệu chứng khó chịu gì nên chị em thường không biết. Sau đó vòng sẽ xuyên qua lớp cơ và dần chui vào ổ bụng", bác sĩ Dung cho biết. Cũng theo bác sĩ Nhuận, vòng tránh thai để lâu được coi như một dị vật trong tử cung. Tử cung thường xuyên co bóp nên nếu quá thời hạn, chiếc vòng có thể tụt ra ngoài nhưng cũng có thể di chuyển đến các cơ quan khác gây nên các tai biến. Thường gặp nhất là các trường hợp có thai ngoài ý muốn. Thậm chí, vòng có thể bị lệch, nứt gãy, hay xuyên cơ vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận. Điều này sẽ gây ra các tổn thương, nhiễm trùng; thậm chí thủng tử cung, gây viêm phúc mạc hoặc chảy máu trong... Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi loại vòng, nhà sản xuất đều có thời hạn sử dụng nhất định, tùy theo chủng loại có thời hạn 5-10 năm. Vì thế, sau khi đặt chị em cần lưu ý đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra tình trạng, vị trí của vòng. Đặc biệt, không nên để vòng trong cơ thể quá lâu. Phụ nữ mãn kinh thì phải tháo vòng, không nên để lâu trong cơ thể vì dễ gây viêm, biến chứng. Khi đặt vòng mà có bầu thì chị em cũng không cần quá lo lắng, không cần phải lấy vòng ra vì nó nằm ngoài ối nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Phương Trang Nguồn VNExpress