Đừng uống bia thả phanh, hạn chế đồ chiên xào, thêm vào thực đơn các món nộm, sa lát, cuốn, đặc biệt là canh bổ dưỡng... sẽ giúp bạn đỡ chán ăn và giữ gìn sức khỏe khi thời tiết oi nóng. Những ngày nắng nóng, thực đơn của gia đình chị Bích (Hoàng Cầu, Hà Nội) thay đổi hẳn. Một tuần thì có đến 3 ngày cả nhà ăn bún hay mì, những ngày còn lại đều phải có món canh ngon cho dễ nuốt. "Hết canh sườn nấu muỗm đến thịt bằm với cà chua, me, rồi canh cua rau rút, nộm xoài chua ngọt... mấy món tủ trước kia như nem rán, thịt kho tàu... giờ nhìn không cảm hứng", chị Bích kể. Bản thân chị đang cho con bú, nhưng mấy ngày oi nóng, chị cũng không thiết ăn uống gì vì luôn thấy mệt mỏi, nhạt miệng. "Mình muốn ăn nhiều để có sữa cho con, nhưng cứ nấu cơm đã thấy chán rồi, chưa nói đến ăn", chị Bích nói. Có bầu tháng thứ 7, chị Xuân (Hào Nam, Hà Nội) dù muốn bồi dưỡng để em bé trong bụng phát triển tốt, nhưng cứ nhìn thấy cơm là "ngán không nuốt nổi". Thực đơn của bà mẹ trẻ quanh quẩn là bún, miến, nước quả. "Cũng lo con còi, nhưng nhìn cơm với thịt, cá, trứng... là thấy chán, sợ cố ăn sẽ phun ra mất", chị Xuân thổ lộ. Trời nắng, nhiệt độ cao... khiến sinh hoạt của không ít gia đình Hà Nội thay đổi, trong đó có chuyện ăn uống. Suất cơm trưa ngày hè không thể thiếu bát canh. Ảnh minh họa: MT. Theo Thác sĩ Doãn Tường Vi, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, thời tiết nắng nóng thường khiến nhiều người chán ăn. Khi trời nóng, quá trình chuyển hóa tăng, cơ thể phải tiêu hao nhiều năng lượng để tỏa nhiệt nên dễ mệt mỏi, không muốn ăn. Đặc biệt, những người lao động nặng nhọc, ở môi trường oi bức, ngoài trời thường đổ nhiều mồ hôi, mất nước, mất các chất điện giải (natr, kali...) nên dễ mệt, buồn nôn, cơ rũ ra, chán ăn... Khi không ăn được họ càng chóng mặt, đau đầu, chán ăn. Đây là một vòng xoắn ức chế ăn uống trong mùa hè. Ngoài ra, khi mất nước, nhiều người có xu hướng uống ừng ực thật nhiều nước một lúc để thỏa cơn khát. Theo lý thuyết, cơ thể luôn có cơ chế cân bằng, nhưng thực tế, nếu uống nhiều nước quá dễ dẫn đến tình trạng nhược trương, người ta sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn và mệt thêm. Việc này đặc biệt ảnh hưởng tới những người có bệnh mãn tính. Người cao huyết áp khi nhiệt độ nóng đã dễ làm huyết áp tăng, cộng thêm nhịp tim đập nhanh, nếu uống nhiều nước một lúc làm khối lượng tuần hoàn lớn khiến huyết áp càng cao. Tương tự, người đái đường khi uống quá nhiều nước sẽ đi tiểu nhiều hơn, càng muốn uống nhiều và càng mệt. Theo bác sĩ, để ăn uống đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể khỏe mạnh trong những ngày hè, đầu tiên cần phải chọn thực phẩm hợp lý và chế biến làm sao để các thành viên trong gia đình muốn ăn. Nên ăn các món sa lát, rau trộn, uống 1-2 thìa canh trước khi ăn (tránh uống quá nhiều vì có thể hòa loãng dịch vị, gây ngang dạ). Có thể tăng cường các món nộm, các món ăn chế biến mang tính mát, dễ nuốt, hạn chế xào, rán vì nhiều chất béo gây ngấy, tăng các món luộc, hấp. Không nên chế biến các món có gia vị quá mạnh, cay nóng, quá kích thích. Mùa hè cũng nên tăng cường các món tôm, cua, hải sản hơn là thịt. Quan trọng nhất là món canh, vừa dễ ăn, vừa có thể đảm bảo đủ chất. Có thể chế biến thịt cá, tôm thành canh để dễ tiêu thụ hơn. Các món như canh cua mồng tơi, canh bầu nấu tôm, canh cá rô rau cải hay tôm rau cải, canh ngao (hay sườn, thịt băm) nấu chua... sẽ cung cấp cả chất béo, đạm và vitamin. Hơn nữa, món canh thường có thêm gia vị, có thể bổ sung thêm đậu, giá đỗ, đỗ xanh, đậu trắng... để bù đắp các chất điện giải mất qua mồ hôi. Chị em cũng có thể làm phong phú thực đơn gia đình ngày hè bằng các món cuốn. Thay vì nem rán gây ngấy, khó ăn trong thời tiết nóng bức có thể làm phở cuốn, bún cuốn cùng tôm, thịt ba chỉ, rau sống... Ngoài ra, một điều cần lưu ý là vào mùa hè, thực phẩm rất dễ hỏng vì thời tiết nóng ẩm là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Vì thế, cần mua đồ tươi, ngon, bảo quản hợp lý. Vi khuẩn sẽ sinh sôi vô cùng nhanh trong cua chết, cá ươn, tôm chết nên tuyệt đối tránh mua các loại thực phẩm này. Theo bác sĩ Tường Vi, mùa hè, nhiều người dễ lạm dụng các đồ uống lạnh. Tuy nhiên, bạn không nên uống đồ uống có ga, cũng như tránh uống quá nhiều bia - vì chúng cung cấp năng lượng nhưng là năng lượng rỗng (không đầy đủ các chất dinh dưỡng) dễ dẫn đến hội chứng chuyển hóa. Hơn nữa, uống đồ lạnh có thể gây kích thích dạ dày, đau họng, nhất là với trẻ em. Thay vào đó, nên tăng cường bổ sung sinh tố với hoa quả tươi. Các loại chè đỗ xanh, đỗ đen cũng là cách "giải nhiệt" hiệu quả trong ngày oi nóng. Vương Linh Nguồn VNExpress