Cái "chết" hay đúng hơn là sự biến mất đột ngột của tàu ngầm Eridis thuộc hạm đội của Pháp vào sáng sớm ngày 4/3/1970 từng dấy lên những tranh cãi nảy lửa khắp thế giới. Bất chấp sự thật rằng người ta đã tìm thấy hiện trường sự cố gần như ngay lập tức, các chuyên gia vẫn mất gần 2 tháng mới tìm thấy xác tàu ngầm. Đây không phải là chi tiết bí ẩn duy nhất về thảm họa. Nhìn chung, hiện chẳng có mấy thông tin về tàu ngầm Eridis của Pháp. Trong khi đó, đã có hàng chục cuốn sách và nhiều bộ phim tài liệu về cái "chết" của tàu ngầm Kursk của Nga. Một bộ phim tài liệu nổi tiếng về thảm họa tàu ngầm Kursk do nhà báo lừng danh Pháp Jean-Michel Carre thực hiện, đã lấy cảm hứng từ một bài báo đăng tải 3 năm sau sự cố. Trong Liên hoan phim quốc tế về hàng hải và các cuộc thám hiểm biển có tên gọi "Đại Dương vẫy gọi" mới diễn ra ở St. Petersburg (Nga), phóng viên báo Pravda đã có cơ hội trò chuyện với cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân thứ ba của Pháp - Thiếu tướng Hải quân Jean-Marie Mate. Vị tướng này không hé lộ thêm bất kỳ bí mật đặc biệt nào về tàu ngầm Eridis ngoài những chi tiết hạn hẹp bạn có thể tìm thấy công khai trên báo chí. Ông Jean-Marie Mate nhấn mạnh rằng, các thủy thủ tàu ngầm, dù có quốc tịch là gì, vẫn luôn là các anh hùng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Tại sao sự biến mất của tàu ngầm Eridis nhận được quá ít sự quan tâm của báo giới, trong sách vở và phim ảnh? Việc mất tích đột ngột của tàu ngầm này ở Địa Trung Hải từng gây rúng động thế giới... Cho tới hiện tại, đáp án cho câu trả lời trên vẫn là một bí ẩn. Ảnh tư liệu về tàu ngầm Eridis của Pháp. Phóng viên trang Pravda đã cố gắng thu thập manh mối của sự việc thông qua nỗ lực lục lọi lại hồ sơ lưu trữ của Nga, hay nói chính xác hơn là của Hải quân Xô viết - lực lượng cũng từng tham gia điều tra sự cố. Kết quả thu được như sau: Tàu ngầm Eridis thuộc lớp tàu ngầm tuần tra điện - diesel Daphne. Đã có 11 chiếc tàu ngầm dạng này được chế tạo tại Pháp, cho Hải quân Pháp và tất cả chúng đều được đặt tên theo các nữ thần trong thần thoại. Lực lượng hải quân của các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Pakistan cũng từng đặt hàng Pháp đóng những chiếc tàu ngầm như vậy. Một chiếc tàu lớp Daphne có chiều dài khoảng 58 mét và được trang bị 12 ống phóng ngư lôi, nhiều hơn một chút so với bất kỳ tàu ngầm cùng loại nào của Nga. Theo dữ liệu có thể tìm thấy trong các nguồn lưu trữ của Nga, việc chế tạo tàu ngầm S-644 Eridis bắt đầu từ tháng 7/1958 tại xưởng đóng tàu hải quân Direction des Constructions et Armes Navales ở Cherbourg. Tàu ngầm này được hạ thủy lần đầu tiên vào ngày 19/6/1960 và đến ngày 26/9/1964 chính thức làm nhiệm vụ cho Hải quân Pháp. Cũng như các tàu ngầm khác thuộc hạm đội Pháp, nhiệm vụ chính của Eridis là phục vụ huấn luyện chiến đấu cho thủy thủ đoàn, tuần tra bờ biển phía bắc Pháp và Bắc Phi cũng như hộ tống tàu bè dân sự chuyên chở hàng hóa quan trọng. Tàu Eridis chưa từng di chuyển ra bên ngoài vùng nước Đại Tây Dương. Sáng sớm ngày 4/3/1970, tàu Eridis rời căn cứ Saint-Trope, với 57 người trên boong. Khi ra khơi, tàu ngầm này có nhiệm vụ phối hợp với hàng không để luyện tập tìm kiếm và tấn công một tàu ngầm giả định của kẻ thù. Với mục đích này, tàu Eridis luôn giữ liên lạc với máy bay tuần tra Atlantic cất cánh từ căn cứ hải quân Nimes-Garon. Biển ban đầu tương đối tĩnh lặng. Các phi công từ trên cao vẫn nhìn thấy ống kính tiềm vọng nhô lên của Eridis khi tàu ngầm này còn cách phía đông nam Mũi Camara gần 11,3km, liên lạc có vẻ bình thường. Đột nhiên, đến 7h13 sáng (theo giờ địa phương), bên phối hợp tác chiến ngưng nhận được các thông điệp từ tàu Eridis. Máy bay Atlantic mất liên lạc tín hiệu radar với tàu ngầm ... Trong thông điệp radio cuối cùng, chỉ huy tàu Eridis nói ông đang tới khu vực luyện tập và chuẩn bị cho tàu lặn. Gần như ngay khi mất liên lạc, máy bay và tàu chống tàu ngầm của hải quân bắt đầu tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Hải quân Pháp đã huy động mọi vật lực có thể vào cuộc, từ 8 tàu nổi trên mặt nước, 6 tàu quét thủy lôi, các tàu ngầm lớp Daphne và Doris tới các máy bay và trực thăng. Người Mỹ và Italia cũng tham gia quá trình tìm kiếm bằng cách cử 4 tàu dò thủy lôi và tàu cứu hộ Skylark. Khu vực biến mất của tàu Eridis cũng như nơi máy bay tuần tra Atlantic lần cuối nhìn thấy tàu Eridis được xác định nhanh chóng. Không lâu sau đó, người ta đã tìm thấy một lượng lớn nhiên liệu diesel, một mảnh gỗ dán và một tấm các đục lỗ có tên Eridis. Phần còn lại của chiếc tàu ngầm chứng minh nó đã bị chìm. Các chuyên gia bắt đầu điều tra sự mất tích của Eridis. Họ đã phân tích các mẫu nhiên liệu diesel trên mặt nước cũng được phát hiện sau đó. Kết quả phân tích cho thấy, số nhiên liệu này chứa hàm lượng lưu huỳnh cao - đặc điểm nhiên liệu của tàu Eridis. 4 ngày sau khi quá trình tìm kiếm bắt đầu, lãnh đạo lực lượng Hải quân Pháp tuyên bố tàu Eridis cùng toàn bộ 57 thành viên thủy thủ đoàn đã tử nạn. Mọi lực lượng tham gia tìm kiếm và tất cả các tàu thuộc hạm đội Pháp đã tiến hành nghi lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Phần còn lại của xác tàu Eridis dưới đáy Đại Tây Dương. Một thời gian sau, thông qua phân tích dữ liệu của các địa chấn kế trong những phòng thí nghiệm khảo sát ven biển, người ta phát hiện đã có một vụ nổ xảy ra vào ngày 4/3/1970, lúc 7h28. Nơi xảy ra thảm kịch nhanh chóng được phát hiện. Tuy nhiên, các chuyên gia phải mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy xác tàu ngầm Eridis. Họ hàng của các thủy thủ tử nạn yêu cầu nhà chức trách phải tìm thấy xác tàu ngầm bằng mọi giá cũng như xác định nguyên nhân thảm họa. Chính phủ Pháp đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ tìm kiếm và phải hơn 1,5 tháng sau, người Mỹ mới trục vớt được nhiều mảnh vỡ lớn của tàu Eridis ở độ sâu từ 600 - 1.000 mét so với mực nước biển. Sau này, người ta đã tìm thấy một mảnh vỡ lớn của đuôi tàu Eridis nằm ở trung tâm một cái hố kỳ lạ, có đường kính 30 mét. Tất cả các mảnh kim loại của tàu bị vặn xoắn và biến dạng dị thường. Các tờ báo của châu Âu bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn. Lỗi thiết kế hay lỗi của thủy thủ đoàn? Có cả những đồn đoán về sự can thiệp của người ngoài hành tinh cũng rất thịnh hành thời điểm đó. Một số lại nhận định, tàu Eridis đã va chạm với một tàu buôn. Trong thực tế, các tàu thuyền chở hàng của Tunisia, Argentina và Hy Lạp thường xuyên qua lại khu vực xảy ra tai nạn. Kết quả điều tra sự cố chưa bao giờ được công bố trước công luận. Cái "chết" của tàu Eridis từng làm chấn động toàn nước Pháp. Vài năm trước đó, 3 tàu ngầm của nước này từng lần lượt chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn gần Toulon. Nguyên nhân của các thảm họa trên vẫn còn là một bí ẩn. Liệu có khi nào tồn tại một em> mới ở Đại Tây Dương? Ở Toulon, tại một trong những căn cứ chính của Hải quân Pháp, người ta đã dựng nên một đài tưởng niệm các thủy thủ tàu ngầm đã chết. Người Pháp vẫn đến đây để bày tỏ sự tưởng niệm đối với những người xấu số. Nguồn KhoaHoc.com.vn