Vệ tinh khoa học của Hàn Quốc đã liên lạc với trạm mặt đất vào sáng 31/1, đánh dấu bước thành công trọn vẹn của sứ mệnh phóng vệ tinh đầu tiên của nước này, Yonhap dẫn lời các quan chức cho biết. Theo đó, tín hiệu từ vệ tinh đã truyền về trạm mặt đất của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đặt tại Daejeon, cách Seoul 160km về phía nam, vào lúc 3 giờ 27 phút sáng 31/1 (giờ địa phương). Tên lửa Naro-1 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro - (Ảnh: AFP) Trước đó, vệ tinh STSAT-2C nặng 100kg đã được tên lửa đẩy KSLV-1 (Korea Space Launch Vehicle-1, còn được gọi là Naro-1) nặng 170 tấn đưa vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Naro ở bờ biển phía nam Hàn Quốc, vào lúc 16 giờ ngày 30/1 (giờ địa phương, tức 14 giờ cùng ngày theo giờ VN). Như vậy, với thành công đột phá này, Hàn Quốc đã trở thành đất nước thứ 13 trên thế giới làm chủ công nghệ phóng vệ tinh vào không gian. Theo Yonhap thì vệ tinh STSAT-2C do Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc chế tạo, có tuổi thọ khoảng một năm, bay quanh Trái đất khoảng 14 lần một ngày để thu thập thông tin về bức xạ vũ trụ. Trong khi đó, tên lửa đẩy KSLV-1 là kết quả hợp tác giữa Hàn Quốc và Nga. Tầng hai của Naro-1 - tên lửa gồm hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn - do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc chế tạo, trong khi tầng đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo không gian Khrunichev (Nga) thực hiện. Sau thành công bước đầu trên, hiện Seoul đang có kế hoạch tiếp tục phát triển một tàu vũ trụ và hứa hẹn sẽ sớm đưa nó vào không gian. Ngoài ra, nước này cũng có kế hoạch tự phát triển một tên lửa đẩy mới có thể nâng một khối lượng lớn hơn vào năm 2021. Nguồn VNExpress