Một loại máy tính mới ra đời tại Áo có thể giúp con người tạo nên những tác phẩm hội họa bằng tín hiệu điện từ não. Hiện nay, để giúp con người điều khiển máy tính bằng ý nghĩ, các nhà khoa học gắn các điện cực vào một mũ rồi úp mũ lên đầu người sử dụng máy tính. Các điện cực có khả năng phát hiện những biến động nhỏ trong dòng điện từ não người sử dụng. Những tín hiệu đó được mã hóa thành mệnh lệnh để điều khiển máy tính. Tiến sĩ Christoph Guger - một nhà nghiên cứu của công ty công nghệ GTech gần thành phố Linz, Áo - cùng các đồng nghiệp ứng dụng công nghệ tương tự để chế tạo loại máy tính mà con người có thể vẽ tranh bằng ý nghĩ. Người sử dụng gắn các điện cực lên đầu để máy tính tiếp nhận tín hiệu từ não, Telegraph đưa tin. Một tình nguyện viên đội mũ điện cực để điều khiển máy tính vẽ tranh. (Ảnh: Telegraph) "Giao diện của máy tính mà chúng tôi chế tạo hoạt động giống như một phần mềm vẽ tranh đơn giản. Nó cho phép người sử dụng tạo ra những nét vẽ bằng cách suy nghĩ về các chức năng trong phần mềm", Guger giải thích. Nếu người sử dụng tập trung vào một lựa chọn - như công cụ để vẽ vòng tròn hoặc đường thẳng, lấy màu - thì phần mềm vẽ tranh có thể "hiểu" người sử dụng muốn làm gì. Guger nói rằng nếu nhóm nghiên cứu có thể cấy điện cực vào vỏ não, máy tính sẽ có khả năng mã hóa từng cử động của ngón tay và giọng nói. Thậm chí máy tính còn có thể đoán ý định của người sử dụng. "Khi đó bạn có thể vẽ được những bức tranh với rất nhiều chi tiết", ông khẳng định. Nhóm của Guger đang hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản để phát triển công nghệ cấy điện cực vào vỏ não. Với công nghệ ấy, người sử dụng có thể vẽ tranh dễ dàng hơn, dù họ phải trải qua một ca phẫu thuật. Khi đó máy tính có thể hiểu những mệnh lệnh như "bật bóng đèn", "vẽ vòng tròn", "chọn màu xanh". Nguồn KhoaHoc.com.vn