Việc mở cửa ngành không gian cho đại chúng có thể kích hoạt làn sóng bảo vệ địa cầu, ngăn chặn tình trạng phá hoại môi trường tự nhiên trên trái đất. >>> Nga vẫn không có đối thủ trong ngành du lịch vũ trụ Có tận mắt chứng kiến trái đất mỏng manh, yếu ớt nằm lọt thỏm giữa đêm trường vũ trụ, mới thấy nó quý giá đến thế nào. Nếu càng nhiều người nhìn thấy cảnh tượng gây chấn động tâm thức trên, ắt hẳn nhân loại sẽ đối xử với địa cầu một cách cẩn trọng hơn, theo John Grunsfeld, thuộc Ban giám đốc Sứ mệnh khoa học của NASA. Ông hoàn toàn tự tin khi phát biểu rằng sẽ có nhiều người đi du lịch không gian trong thời gian tới. Grunsfeld là cựu phi hành gia của NASA, người từng có mặt trong 5 sứ mệnh không gian từ năm 1995 đến 2009, trong đó có 3 lần có liên quan đến viễn vọng kính Hubble. Đáng buồn là bộ mặt trái đất đã thay đổi quá nhiều từ lần bay đầu tiên đến lần bay cuối cùng của nhà du hành vũ trụ Mỹ. “Bây giờ, trái đất trông quá khác. Chúng ta đang thay đổi bề mặt trái đất hết sức rõ ràng và dữ dội, đó là nói đến bầu khí quyển. Bạn có thể nhận thấy dễ dàng từ không gian”, Grunsfeld nói. Tỉ phú Hungary Charles Simonyi, người hai lần chi hàng chục triệu USD để đến ISS - (Ảnh: Space.com) Trở về những năm 1960, các phi hành gia Apollo ghi nhận rằng các biên giới quốc gia không hề mờ nhạt khi nhìn từ quỹ đạo. Tuy nhiên, sự quan sát này không đến mức có thể gây đe dọa Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, theo ông Grunsfeld. “Bạn có thể nhìn thấy đâu là nước giàu và đâu là nước nghèo. Bạn có thể thấy nơi con người làm nông, tưới tiêu và nơi nào không có những hoạt động đó. Nó hiện ra hết sức rõ ràng”, Space.com dẫn lời Grunsfeld diễn giải. Và cũng theo cùng một hướng quan sát như vậy, các phi hành gia nhìn thấy tình trạng những khu vực hoang dã đang thu hẹp dần. “Bạn có thể thấy ranh giới của các công viên quốc gia. Giống như có người nào đó vẽ một đường đen nhẻm xung quanh, với cây cối bên trong và chẳng có thiên nhiên bên ngoài”, ông cho biết. Tính đến thời điểm này, khoảng 530 người đã bay vào không gian, hầu hết là các phi hành gia NASA hoặc Liên Xô/Nga. Tuy nhiên, danh sách trên sẽ nhanh chóng mở rộng khi đến thời của du lịch vũ trụ. Mới đây, phi thuyền SpaceShipTwo của Hãng Virgin Galactic đã có chuyến bay thử nghiệm động cơ rốc két lần đầu tiên hồi tháng rồi. Nếu không có gì thay đổi, tàu du hành 6 chỗ ngồi có thể bắt đầu đưa du khách vào không gian trong cuối năm nay hoặc năm tới. Khoảng 580 người đã đặt cọc giữ chỗ, trước khi nộp đủ tiền vé 200.000 USD để lên tàu. Và SpaceShipTwo không phải là tay chơi duy nhất trong lĩnh vực hứa hẹn sẽ nhiều sôi nổi này. Một tàu du lịch quỹ đạo khác là Lynx, 2 ghế, của Hãng XCOR Aerospace cũng có thể khai trương chuyến bay cùng lúc với phi thuyền của Hãng Virgin. Giá vé cho một chuyến bay không hết vòng trái đất của XCOR là 95.000 USD. Những chuyến bay của SpaceShipTwo và Lynx sẽ rất khác biệt và ngắn ngủi hơn nhiều lần so với một sứ mệnh đưa người lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Tuy nhiên, nhiêu đó cũng đủ cho những nhà du hành nghiệp dư trải nghiệm vài phút trong tình trạng phi trọng lực và nhìn thấy bầu trời đen cũng như độ cong của trái đất. Du lịch không gian đã có sẵn, nhưng du khách thì coi bộ khá hiếm hoi. Kể từ năm 2001, chỉ có 7 khách hàng chịu chi hàng chục triệu USD để có mặt trên tàu Soyuz của Nga đến ISS. Dù vậy, viễn cảnh của ngành này hết sức xán lạn, và qua đó, hy vọng con người sẽ biết yêu mến mẹ trái đất hơn. Nguồn VNExpress