'Truy xuất nguồn gốc không chỉ là gắn chip, dán tem'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 19, 2025 at 11:33 AM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 7)

    Các chuyên gia đánh giá mỗi sản phẩm cần "hộ chiếu số" chứa thông tin từ gieo trồng đến thu hoạch để truy xuất nguồn gốc, không chỉ dán nhãn.


    "Truy xuất nguồn gốc không chỉ là tem chống giả, hay chip gắn vào, mà cần có hệ thống công nghệ để lưu vết cho toàn bộ chuỗi, từ khi nguyên vật liệu, nhà sản xuất, đến quy trình đóng gói, thương mại thị trường và có thể truy xuất ngược", ông Phạm Văn Quân, Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Checkee, nói tại hội thảo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC), Cộng đồng Khởi nghiệp sáng tạo Ecotech - Techfest Việt Nam và công ty Checkee tổ chức ngày 18/7.


    [​IMG]

    Ông Phạm Văn Quân, Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Checkee. Ảnh: Bảo Lâm


    Theo ông Quân, thực trạng hiện nay cho thấy nhiều loại hàng hóa đã được gắn mã QR, gắn chip như một hình thức quảng bá. Nhưng khi sử dụng điện thoại để quét, nhiều sản phẩm chỉ "hiện ra website giới thiệu hoặc trang Facebook".

    "Thông tin không sai, nhưng là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm", ông Quân nói.

    Thông tư 02 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đầu năm ngoái quy định truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Quá trình cần Hệ thống truy xuất nguồn gốc gồm định danh, thu thập và lưu trữ thông tin trạng thái theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.

    Từ Thông tư, chuyên gia Checkee cho rằng mỗi sản phẩm cần một "hộ chiếu số", tức đưa toàn bộ dữ liệu kể trên vào một mã duy nhất để quản lý theo hướng tránh trùng lặp, chồng chéo. Tùy theo loại mặt hàng, "hộ chiếu số" cần đáp ứng đầy đủ 7-10 yêu cầu về thông tin do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, trong đó có tên, hình ảnh, đơn vị, địa chỉ, giai đoạn, thời gian sản xuất, mã truy xuất, thương hiệu đã đăng ký, thời hạn sử dụng và đáp ứng những tiêu chuẩn do nhà nước quy định.

    "Người dân chỉ cần cầm điện thoại hướng camera để quét đã có thể thấy toàn bộ thông tin", ông Quân nói. "Do đó, cần vai trò không thể thiếu của công nghệ trong việc đảm bảo tính minh bạch và uy tín cho sản phẩm. Việc ứng dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh".

    Để làm được, ông cho rằng doanh nghiệp cần chuyển đổi số bằng cách triển khai hệ thống công nghệ để lưu trữ, truy xuất và chia sẻ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, gồm mã vạch, tem nhãn điện tử, và hộ chiếu số sản phẩm. Dữ liệu sẽ liên thông với cổng thông tin quốc gia. Ông lấy ví dụ về một số trường hợp chuyển đổi số thành công, chẳng hạn hệ thống quản lý nhật ký hơn 1.000 trang trại, vùng trồng cà phê với hơn 5.000 hecta ở Dak Lak; hay gắn tem chip trên sản phẩm của đạm Phú Mỹ.

    Ông Lưu Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt nhuộm Tân Đức Khanh, cũng cho rằng truy xuất nguồn gốc là yếu tố cần có của doanh nghiệp trong thời đại mới, nhất là khi vươn ra quốc tế. "Đây là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói.

    Hàng loạt rào cản

    Tại sự kiện, nhiều câu hỏi được đặt ra từ doanh nghiệp liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là quy trình chuyển đổi. Một doanh nghiệp ví von rằng nhiều đơn vị đang "vì một chiếc cà vạt giá 50.000 đồng mà phải mua bộ vest hàng triệu đồng để mặc cho tương xứng".

    Trước vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi vẫn gặp nhiều khó khăn, khi không phải công ty nào cũng sẵn sàng "đập bỏ" một phần hoặc toàn bộ quy trình để áp dụng cái mới.

    "Tôi từng gặp một ông chủ có sản phẩm nổi tiếng tại Việt Nam. Ông ấy nói sản phẩm của mình bán ổn định khắp cả nước và xuất khẩu, vậy còn chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc làm gì", ông Cường kể. "Nhưng sau quá trình thuyết phục, ông ấy hiểu ra đây chính là để bảo vệ sản phẩm. Tất nhiên, không nhiều doanh nghiệp hiểu nhanh, và nếu hiểu cũng chưa chắc chuyển đổi".


    [​IMG]

    Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm


    Chi phí là rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp chùn bước. Trong bối cảnh chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, doanh nghiệp thiếu định hướng và chưa thấy lợi ích ngắn hạn rõ rệt, nên nhiều công ty chần chừ triển khai, vì chưa biết đạt hiệu quả thế nào.

    Trong buổi thảo luận, các chuyên gia nêu thực trạng việc chuyển đổi số có thể tốn hàng tỷ đồng, nhưng lợi ích mang lại chưa chắc chắn. Ngay cả khi đồng ý chuyển đổi số, quá trình có thể không diễn ra suôn sẻ do thiếu hướng dẫn cụ thể.

    Một doanh nghiệp cho biết công ty ông ở Lâm Đồng nhận được tư vấn truy xuất nguồn gốc từ một đơn vị "có tiếng". Dù vậy, đơn vị đó giới thiệu mô hình với thông tin chung chung, không rõ ràng và thiếu lộ trình cụ thể, khiến công ty phải từ bỏ. "Nông dân mua giống, phân bón từ nhiều nơi về trồng, làm sao để truy xuất, các bước thực hiện là gì, chi phí thế nào. Chúng tôi mong được giải đáp cụ thể, từ đó mới sẵn sàng áp dụng vào thực tế", người này phát biểu.

    Một đại diện doanh nghiệp khác nói bản thân không biết bắt đầu từ đâu khi triển khai, "thực sự lúng túng", đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng phức tạp.

    Theo ông Quân, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm của mình có thuộc diện cần truy xuất nguồn gốc hay không. Dựa trên mức độ rủi ro của từng loại hàng hóa, ông phân ra ba nhóm gồm rủi ro thấp - không bắt buộc truy xuất; rủi ro trung bình - khuyến khích áp dụng; và rủi ro cao - bắt buộc thực hiện truy xuất đầy đủ.

    "Việc phân loại sẽ giúp doanh nghiệp xác định đúng, đủ nhu cầu, tránh đầu tư dàn trải", ông khuyến cáo. "Từ các thông số này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xây dựng lộ trình phù hợp với quy mô và năng lực của mình".

    Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, việc truy xuất sẽ còn gặp khó khăn khi doanh nghiệp hiện thiếu chính sách hỗ trợ. Ông mong muốn thời gian tới sẽ có sự chung tay của nhiều bên, đặc biệt các chính sách khuyến khích từ cơ quan quản lý nhà nước.

    Trước đó vào tháng 6, Bộ Công an cho biết đang cùng Bộ Công Thương, VNPT xây dựng hệ thống về xuất xứ hàng hóa, dự kiến vận hành thử nghiệm cuối năm nay. Khi đi vào hoạt động, trước mắt, hệ thống áp dụng với một số nhóm hàng hóa. Sau khi đi vào hoạt động, nền tảng sẽ giúp người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách.

    Bảo Lâm

    • Thách thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam
    • Chuyển đổi số qua việc gắn truy xuất nguồn gốc 'cho từng con cua, quả sầu'
    • Đề xuất luật hóa về mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm

    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Truy xuất nguồn gốc không chỉ là gắn chip, dán tem'

Share This Page