Tôi hay uống nước cốt chanh vào buổi sáng, song nhiều thông tin cho rằng thói quen này gây hại, điều này có đúng? Trả lời: Nước cốt chanh là phần dịch lỏng thu được khi vắt từ quả chanh tươi (thường là chanh vàng hoặc chanh xanh). Nước cốt chanh chứa nhiều axit citric, vitamin C, cùng các hợp chất chống oxy hóa và một lượng nhỏ khoáng chất như kali, canxi và magiê. Uống nước cốt chanh (đặc biệt là pha với nước ấm) có nhiều tác dụng tích cực nếu dùng đúng cách và điều độ, trong đó có tăng cường hệ miễn dịch. Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao, giúp nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm, viêm họng. Bên cạnh đó, thực phẩm còn kích thích sản sinh dịch tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột, giúp giảm đầy bụng, chướng hơi, táo bón. Axit citric trong chanh hỗ trợ gan hoạt động hiệu quả hơn, uống buổi sáng giúp "kích hoạt" quá trình thải độc nhẹ nhàng. Ngoài ra, chanh còn hỗ trợ giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn, tăng cảm giác no, tăng tốc độ trao đổi chất nhẹ nhờ vào các enzym tự nhiên. Chất chống oxy hóa giúp giảm gốc tự do, làm chậm lão hóa. Vitamin C hỗ trợ sản sinh collagen, giúp da căng sáng. Mặc dù chanh có vị chua (tính axit), nhưng khi vào cơ thể lại tạo ra phản ứng kiềm hóa, giúp trung hòa axit dư thừa trong cơ thể. Tuy nhiên, nước cốt chanh sẽ gây hại nếu sử dụng không đúng cách. Tính axit cao có thể làm mòn men răng, gây ê buốt nếu uống thường xuyên mà không súc miệng lại bằng nước lọc. Uống quá nhiều hoặc uống khi đói có thể gây đau dạ dày, ợ chua, trào ngược axit ở người có tiền sử bệnh dạ dày. Đặc biệt, uống nước chanh quá đặc mà không pha loãng có thể khiến cơ thể khó hấp thu và dễ mất cân bằng điện giải. Axit trong chanh có thể làm giảm hoặc tăng hấp thu một số loại thuốc (ví dụ như kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp...). Vì vậy, nếu bạn muốn uống nước cốt chanh để tốt sức khỏe, nên uống liều lượng ½ - 1 quả chanh/ngày, pha loãng với 250-500 ml nước. Thời điểm uống tốt nhất vào buổi sáng, sau khi ăn nhẹ hoặc trước bữa ăn 30 phút. Không uống khi đói bụng, đang viêm loét dạ dày, trào ngược, hoặc men răng yếu. Bác sĩ Trần Đức Cảnh Phó trưởng khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress