Nhiễm trùng huyết, hoại tử tay, chân... do vi khuẩn "ăn thịt người" rất hiếm. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, không phải ai có vết thương hở khi xuống vùng nước bẩn cũng bị. Khởi đầu bằng dấu hiệu sốt, một ngày sau xuất hiện sưng nề ở tay, chân, thậm chí vai, ngực... Sau đó, các vùng da bị viêm nhiễm có thể bị hoại tử nhanh chóng. Thậm chí tại Mỹ, một số bệnh nhân đã phải cắt cụt chân, tay... Những biểu hiện bệnh đáng sợ này là do nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydrophila hay vi khuẩn "ăn thịt người" khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, thực chất không phải ai nhiễm khuẩn này cũng diễn biến bệnh trầm trọng như thế. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, Aeromonas hydrophyla là những vi khuẩn phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước bề mặt, chủ yếu gây bệnh cho cá, tôm, ếch nhái. Bệnh do khuẩn này ở người tương đối ít gặp. Bệnh cảnh có thể từ nhẹ đến nặng. Vi khuẩn Aeromonas hydrophyla có thể được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và lợ. Ảnh: CNN. Chúng có thể gây tiêu chảy ở người khi ô nhiễm nước uống do ngoại độc tố giống độc tố cholera toxin của vi khuẩn tả, nhưng gây bệnh nhẹ hơn. Ngoài ra, chúng có thể gây các bệnh khác ở người như nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng huyết, và các ổ nhiễm trùng khu trú. Đây là thể bệnh hiếm gặp, nhưng lại rất đáng sợ vì gây hoại tử nhanh chóng các tổ chức bị viêm. Nó có thể xảy ra trên cơ địa người hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân do có các vết thương, xây xát cộng thêm việc tiếp với nước bẩn bùn có khuẩn này. Nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila là thể bệnh rất nặng. Trong thời gian 2 năm 2010-2011, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gặp 10 ca bệnh này. Trong đó, 7 người tử vong, chỉ có 3 ca được cứu sống. "Đây là bệnh hiếm gặp, tổng kết 2-3 năm mới có khoảng 10 ca vì thế người dân không nên quá hoang mang. Không phải ai có vết thương hở xuống vùng nước bẩn cũng mắc. Có người không biết có vết thương lúc nào, bị xây xát lúc nào trong khi làm việc cũng không rõ, bị là bị thôi. Ở Australia có báo cáo trường hợp 26 thanh niên chơi đá bóng bùn bị cả 26 người", bác sĩ Cấp nói. Cũng theo bác sĩ, không phải gần đây vi khuẩn này mới xuất hiện ở nước ta. Từ nhiều năm qua vẫn rải rác có các ca bệnh. Đây không phải là bênh lạ, nhưng không ai tổng kết cũng như để ý. Bệnh do khuẩn này là hiếm gặp nên nhiều bác sĩ tuyến cơ sở chưa được chứng kiến bệnh nhân bao giờ. Vì thế, khi tiếp xúc bệnh nhân lần đầu khó chẩn đoán được. Bên cạnh đó, vi khuẩn này khá nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh nên sau khi bệnh nhân đã được dùng kháng sinh thì việc nuôi cấy để tìm vi khuẩn khá khó khăn. Nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán nhờ dựa trên lâm sàng, tỷ lệ xác định được căn nguyên Aeromonas hydrophila khá thấp. Tuy nhạy cảm với nhiều kháng sinh, nhưng do bệnh diễn biến rất nhanh, bệnh nhân bị hoại tử nhiều, dễ bị sốc nặng và suy đa phủ tạng. Tại Việt Nam, môi trường nước ô nhiễm do Aeromonas hydrophyla là mối nguy cơ đối với những người lao động, tiếp xúc với nước bẩn mà thiếu trang bị phòng hộ như: người đánh cá, nuôi cá, tôm, những người làm ở bè tre nứa, nông dân canh tác ở đồng nước, công nhân vệ sinh cống rãnh... Vì thế, để phòng bệnh, người dân nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết thương hở. Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nước bẩn, nên có trang bị phòng hộ phù hợp. "Về nguyên tắc, khi một một vết thương hở tiếp xúc với môi trường bẩn thì đều phải sát trùng để đảm bảo vệ sinh, chứ không phải vì lo sợ vi khuẩn 'ăn thịt người' thì mới sơ cứu. Trong trường hợp có sưng tấy thì bất kể do vi khuẩn gì đều phải điều trị sớm", bác sĩ Cấp khuyến cáo. Phương Trang Nguồn VNExpress