Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn như mức sinh thấp nhất lịch sử, mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng và già hóa dân số nhanh chóng. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết như trên tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới hôm 11/7, thêm rằng những thách thức này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bà Lan cho biết tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và dự kiến tiếp tục giảm trong những năm tới. Dẫn chứng kết quả điều tra biến động dân số tháng 4/2024, Bộ trưởng Lan chỉ ra tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,01 con/phụ nữ năm 2022 xuống 1,96 vào năm 2023 và 1,91 năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam. Bên cạnh mức sinh thấp, quá trình già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh. Năm 2024, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 74,7 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 65 tuổi, cho thấy người Việt có hơn 10 năm sống trong bệnh tật. Ngoài ra, tầm vóc, thể lực và chất lượng cuộc sống của người dân tại các vùng sâu xa, và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Tình trạng mang thai và sinh con ở nữ giới vị thành niên vẫn diễn ra, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở khu vực Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc. Dù đã được kiểm soát, nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ số này là 110,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2009, tăng lên 111,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2019, và hiện ở mức 111,4 bé trai/100 bé gái vào năm 2024. Sự mất cân bằng này tác động tiêu cực đến cấu trúc dân số tương lai, dẫn đến dư thừa nam giới. Tổng cục Thống kê dự báo nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034, và con số này có thể lên tới 1,8 triệu vào năm 2059. Về Chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam hiện nằm trong nhóm thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, xếp hạng 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035. Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nhiều ưu tiên trọng tâm để khuyến sinh, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với dân số đang già đi, như tăng thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ tiền mặt hoặc quà tặng khi sinh con. Các mẹ bầu được hỗ trợ sàng lọc trước sinh và sơ sinh để con chào đời khỏe mạnh. Đặc biệt, những gia đình này được ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội và nhiều hỗ trợ khác tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Một điểm nhấn đặc biệt là đề xuất ưu đãi tài chính, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho các gia đình sinh hai con gái. Đồng thời, sẽ có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, áp dụng linh hoạt cho từng địa phương và trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng và phát triển các cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi, đào tạo thêm nhiều nhân lực chuyên về chăm sóc người già. Chẳng hạn sẽ có các suất học bổng, hỗ trợ học phí cho các sinh viên theo học chuyên ngành lão khoa tại các trường y tế công lập. Dự thảo Luật Dân số sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định trong hôm nay, dự kiến trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress