Hơn 18 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp trên toàn quốc, tương ứng với 28,42% dân số trưởng thành, theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC). Thông tin được công bố ngày 2/7, tại hội nghị Giao ban Quý II/2025 giữa NEAC và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC, cho biết số chứng thư chữ ký số đang hoạt động (active) đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chứng thư cá nhân chiếm ưu thế so với tổ chức, với tỷ lệ cao gấp 4-5 lần. "Chữ ký số cá nhân sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian tới. Đây là xu hướng không thể đảo ngược", bà Hương nói. Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt Chữ ký số là phương thức xác thực danh tính và nội dung văn bản trong môi trường số, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay. Công cụ này đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như khai thuế, ký hợp đồng và giao dịch trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch. Trước đó, theo thống kê của cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tháng 11/2024, Việt Nam có 12,44 triệu chứng thư chữ ký số cá nhân. Như vậy, chỉ sau bảy tháng, thêm gần sáu triệu chứng thư mới được cấp. Mục tiêu Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra, đến cuối năm 2025, 50% dân số trưởng thành sẽ sở hữu chữ ký số cá nhân. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia ước tính, để đạt mục tiêu này, trung bình mỗi tháng cần cấp thêm khoảng 2 triệu chữ ký số. Người dân tham gia chương trình hỗ trợ cấp chữ ký số miễn phí tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt Một trong những động lực thúc đẩy hoạt động này là quy định mới về thuế có hiệu lực từ 1/6, yêu cầu hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn điện tử. Theo Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số. "Gần đây, có doanh nghiệp cung cấp hàng chục nghìn chữ ký số mỗi tháng cho nhóm đối tượng này", bà Hương cho biết. Ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam, nhận định việc cấp mới hai triệu chữ ký số mỗi tháng là mục tiêu thách thức, nhưng khả thi nếu có chính sách phù hợp. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Ông Din cho rằng đây là phân khúc thị trường tiềm năng với các đơn vị cung cấp chữ ký số, bên cạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Thị trường chữ ký số có thể tăng gấp hai đến ba lần trong thời gian tới", ông dự báo. Để thúc đẩy phổ cập chữ ký số, ông Din đề xuất cơ quan quản lý đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghệ, đưa ra các chính sách ưu đãi, như cung cấp miễn phí dịch vụ chữ ký số hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, cần đào tạo, hướng dẫn nhóm đối tượng này tiếp cận với công nghệ. Dịch vụ chữ ký số xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007, ban đầu dưới dạng USB token. Đến năm 2021, giải pháp ký số từ xa (remote signing) được cấp phép. Với tốc độ chuyển đổi số hiện nay, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia dự đoán, thời gian để chữ ký số đạt độ phủ như dịch vụ di động sẽ nhanh gấp đôi, chỉ cần 5-7 năm kể từ thời điểm cấp phép. "Đây là cơ hội rõ ràng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực", bà Hương nói. Trọng Đạt VNeID thêm tính năng đăng ký chứng thư chữ ký số Thách thức bảo mật trong thời đại máy tính lượng tử VNeID khó truy cập khi nhiều người vào xem quê quán mới Góp ý kiến tạo Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ Gửi góp ý Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress