Thiếu điều dưỡng trầm trọng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 24, 2025 at 9:51 AM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 6)

    Cứ 10.000 dân Việt Nam chỉ có 11,4 điều dưỡng trong khi cần ít nhất 25, việc chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế phụ thuộc vào gia đình.


    TS.BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết như trên tại hội thảo Điều dưỡng Ung thư Toàn quốc lần thứ hai với chủ đề Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư: Từ lý thuyết đến thực hành, ngày 23/5 tổ chức ở Bệnh viện K.

    Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến hai điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực.

    Một nghiên cứu mới đây tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy 44% điều dưỡng bị kiệt sức từ mức trung bình tới cao do áp lực công việc và thời gian làm việc kéo dài, trực đêm. Theo nhóm nghiên cứu, căng thẳng trong công việc của điều dưỡng bệnh viện bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau ở cấp độ cá nhân và tổ chức, bao gồm cả năng lực chuyên môn. Họ còn gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, tăng ý định luân chuyển, chưa kể áp lực về thu nhập.

    Ngoài việc hụt nhân lực, năng lực chuyên môn của điều dưỡng cũng chưa đồng đều, chế độ đãi ngộ hạn chế và định kiến xã hội đối với nghề điều dưỡng. "Nhiều nơi vẫn còn quan niệm cho rằng nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ", ông Lương nói.


    [​IMG]

    Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Trần


    Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, nói điều dưỡng chiếm 60-70% nhân lực tại các cơ sở y tế và là lực lượng gắn bó thường xuyên nhất với người bệnh suốt quá trình điều trị. Đặc biệt, với điều dưỡng hỗ trợ bệnh nhân ung thư, họ không chỉ cần thực hiện y lệnh chính xác mà còn phải nhạy bén, giàu tình cảm và có kiến thức chuyên môn sâu rộng để trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và gia đình.

    "Họ là những người hùng thầm lặng, làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại nhưng chưa được đánh giá đúng mức", giáo sư Quảng bày tỏ và cho rằng cần công nhận đóng góp của điều dưỡng đối với bệnh nhân và xã hội thông qua chế độ đãi ngộ phù hợp. Đồng thời bảo vệ điều dưỡng vì họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Đặc biệt là đầu tư cho công tác điều dưỡng từ cải thiện chính sách nghề nghiệp, đào tạo, đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động điều dưỡng và hãy nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị, vị thế của nghề điều dưỡng.

    Tại hội thảo, tiến sĩ Trương Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Điều dưỡng Nam Định, cho biết nhu cầu điều dưỡng hiện rất lớn, sinh viên ra trường đều được tuyển dụng ngay. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế là các cơ sở đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam chưa có chương trình chuyên sâu về điều dưỡng ung thư, khiến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

    Theo Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành y tế phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Ông Lương cũng nhấn mạnh ngành y tế sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cấp trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện và phát triển bền vững hệ thống y tế.


    [​IMG]

    Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh: Mạnh Trần


    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Thiếu điều dưỡng trầm trọng

Share This Page