Nhóm các nhà khoa học trường Đại học liên bang Viễn Đông đã chế tạo được hệ thống liên lạc không dây độc đáo dành cho những người làm việc dưới hầm mỏ. Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga, Trưởng Khoa chế tạo máy trường Đại học Viễn Đông, Giáo sư Vladimir Korochentsev cho rằng, đây là một nhiệm vụ đầy tham vọng, giúp làm tăng gấp 5 lần công suất tín hiệu so với các thiết bị hiện có. Ông cho rằng, hiện trên thế giới không có hệ thống không dây nào có thể cung cấp thông tin liên lạc ở khoảng cách lớn hơn 1.000m. Trong khi hệ thống của Anh có thể cung cấp liên lạc ở khoảng cách 150m, thì hệ thống này của Nga có thể phát tín hiệu xa từ 1.500 - 2.500m tùy theo thành phần khoáng sản dưới lòng đất. Hệ thống mới của Nga có thể phát tín hiệu xa từ 1.500 - 2.500m tùy theo thành phần khoáng sản dưới lòng đất. (Ảnh: Carto) Theo các nhà khoa học Nga, ở những vị trí nhất định, sóng vô tuyến có thể xâm nhập lòng đất rắn khá sâu. Điều chủ yếu là phải xác định được tính xuyên thấm của quặng và đưa ra các tần số thích hợp. Sau tai nạn nghiêm trọng gần đây tại mỏ Raspadskaya, Chính phủ Nga đã quyết định tăng cường an toàn trong ngành công nghiệp than, đặc biệt là các phương tiện thông tin liên lạc không dây cho các hầm mỏ. Hiện tại, Nga đã ký thỏa thuận với Trung Quốc về việc cung cấp các thiết bị liên lạc không dây cho nước này. Hệ thống thông tin liên lạc không dây do các nhà khoa học Viễn Đông sáng chế đã được thử nghiệm tại mỏ Vostok-2 ở Primorie (Nga) và một số mỏ ở Trung Quốc. Giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ nghiên cứu sản xuất hệ thống thông báo khẩn cấp. Các nhà khoa học Vladivostok (Nga) đã sẵn sàng cung cấp hệ thống liên lạc này cho tất cả các mỏ ở Nga và Trung Quốc trong vòng hai năm. Các nhà vật lý trường Đại học Viễn Đông đang quan tâm đến việc chế tạo các phương tiện liên lạc cá nhân - thiết bị bắt buộc dành cho tất cả thợ mỏ và những người làm việc trong các công trình ngầm. Nguồn KhoaHoc.com.vn