Tựa đầu vào tường nghỉ ngơi sau ca mổ, tâm trí bác sĩ Thái "căng như dây đàn", cảm giác bất lực khi không thể cứu được bệnh nhân đè nặng. Khoảng 17h hôm 29/4, xe cứu thương rú inh ỏi ngoài Phòng Cấp cứu, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an (Hà Nội). Trên băng ca, một người đàn ông 40 tuổi vừa rơi từ giàn giáo cao 10 m được chuyển vào với chẩn đoán sốc mất máu, đa chấn thương, tiên lượng rất xấu. Đó là thời khắc "đỉnh điểm" trong ngày, khi các y bác sĩ vốn đã kiệt sức vì cường độ công việc dồn dập lẫn tiết trời nóng bức, vẫn phải giữ vững tinh thần trước lằn ranh sinh tử của người bệnh. Bác sĩ Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, gần như hành động theo bản năng. Anh kiểm tra các chỉ số sống, đồng nghiệp quanh anh phối hợp nhịp nhàng: đo huyết áp, cầm máu, xét nghiệm ngay tại giường bệnh. Hệ thống cấp cứu hoạt động như một cỗ máy đã quá quen với những tình huống khẩn cấp. "Gan phải vỡ nát hoàn toàn", anh trầm giọng, yêu cầu chuyển thẳng lên phòng mổ, đồng thời báo động đỏ, hội chẩn tức tốc để tranh thủ từng giây. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân gãy nhiều xương sườn, sốc mất máu nặng. "Chậm một chút là bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ", bác sĩ Thái kể lại, hôm 12/5. Chưa đầy 10 phút sau, êkíp đã sẵn sàng trong phòng mổ: thuốc men, dịch truyền, dao mổ, băng gạc... Cuộc đua với tử thần kéo dài gần hai tiếng, với quyết tâm giành giật sự sống cho người bệnh. Dù mọi nỗ lực đã được triển khai, tình trạng quá nặng, gia đình xin chuyển sang bệnh viện khác. Sau đó, bệnh nhân không qua khỏi. "Ở khoa cấp cứu, không phải ca nào cũng kết thúc tốt đẹp. Chỉ có nỗi mất mát luôn để lại dấu vết, in hằn trong đầu, thậm chí len lỏi cả vào trong giấc ngủ", bác sĩ nói. Các bác sĩ chạy đua cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy Nỗi đau chưa kịp lắng xuống, một ca nặng khác được đưa vào. Trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân, đa số ở tình trạng nguy kịch như chấn thương sọ não, xuất huyết nội tạng, vỡ gan, vỡ lách. Tiếng còi xe cứu thương dường như không bao giờ tắt, khiến các y bác sĩ liên tục phải chia lực lượng, bảo vệ "thời gian vàng" cho mỗi trường hợp. Trong môi trường áp lực dồn dập ấy, hội chứng kiệt quệ nghề nghiệp, còn gọi "burn out", trở thành "bóng ma" ám ảnh các y bác sĩ cấp cứu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là hệ quả của tình trạng căng thẳng mãn tính nơi làm việc, nguy cơ dẫn đến suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Triệu chứng thường gặp là không muốn đi làm vào mỗi sáng, khó tập trung công việc, mất ngủ, giảm năng suất, dễ cáu gắt, cảm giác bất lực và vô giá trị. Số liệu thực tế cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng. Một phân tích tổng hợp từ 182 nghiên cứu quốc tế chỉ ra, tỷ lệ bác sĩ hồi sức cấp cứu mắc burn out dao động từ 25% đến 60%. Tại Pháp, gần 46% nhân viên ICU từng trải qua hội chứng này; con số tăng vọt lên 68% trong đại dịch Covid-19. Ở Mỹ, năm 2015, ghi nhận 52-53% bác sĩ cấp cứu và hồi sức kiệt sức - cao nhất trong các chuyên khoa. Mỗi năm, nước này có khoảng 300 bác sĩ tự tử vì áp lực nghề nghiệp, gấp đôi mức chung các ngành khác. Tại Trung Quốc, hơn một nửa số bác sĩ thường xuyên làm việc trên 36 giờ liên tục, có người còn trực tới 48 giờ không ngừng nghỉ. Khảo sát năm 2020 hơn 4.000 bác sĩ cho thấy 25% mắc bệnh tim mạch, gần 50% cao huyết áp, tỷ lệ mắc bệnh của bác sĩ trên 40 tuổi cao gấp đôi so với mặt bằng dân số. Nhiều trường hợp y tế đột tử ngay trong ca làm việc vì quá sức. Ở Việt Nam, nghiên cứu trên 787 y tá công lập năm 2018 cho thấy hơn 61,9% chịu căng thẳng kéo dài, gần 40% rơi vào trạng thái lo âu mạn tính và 19% có dấu hiệu trầm cảm. Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng tăng, tại Hà Nội, số lượng chuyển việc từng năm từ 2019 đến 2021 dao động từ 560 đến 614 người. Riêng TP HCM, năm 2022 ghi nhận hơn 1.500 nhân viên y tế nghỉ việc, gấp ba lần mức trung bình các năm trước. PGS.TS. BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thừa nhận nhân viên y tế dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần do áp lực quá tải, thu nhập thấp, thiếu cơ hội phát triển chuyên môn. Điều này vừa làm hao mòn sức lao động, vừa giảm động lực gắn bó với nghề. Ảnh hưởng của burn out không dừng lại ở sức khỏe cá nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra nhân viên y tế kiệt sức có nguy cơ mắc lỗi chuyên môn cao hơn, khả năng phán đoán suy giảm, giao tiếp kém với bệnh nhân và đồng nghiệp. Stress liên tục còn là tác nhân gây bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, giảm chất lượng chăm sóc và tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm. 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Thái không nhớ đã bao lần rơi vào cảm giác hụt hẫng hay buộc phải gượng đứng dậy sau những ca thất bại. Sau đại dịch, số ca cấp cứu tăng gấp đôi, gấp ba, giường bệnh không còn chỗ trống, đa số bệnh nhân vào muộn, tình trạng nặng hơn khiến áp lực càng lớn. "Có lúc tôi chỉ muốn buông xuôi, hai tay chẳng nhấc nổi, nhưng vẫn phải đứng lên, bởi còn quá nhiều bệnh nhân đang chờ", anh nói. Cảm xúc ấy được bác sĩ Đỗ Trọng Nam, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, rất chia sẻ. Nơi làm việc của bác sĩ Nam được coi là khoa "đầu sóng ngọn gió" của tuyến cuối miền Bắc. Khi mới vào nghề, chứng kiến bệnh nhân tử vong ngay trước mắt, bác sĩ Nam bị sang chấn tâm lý, phải nhờ các liệu pháp tinh thần mới tìm lại được sự cân bằng. Điều dưỡng Bùi Văn Quyền ở Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện K, cũng thừa nhận những vất vả suốt 17 năm bên người bệnh ung thư. Không chỉ gánh áp lực chuyên môn, anh và đồng nghiệp còn là điểm tựa tinh thần cho người bệnh. Trong nhiều tình huống, họ phải đối mặt với những lời lẽ nóng giận, xúc phạm hoặc hành vi bạo lực từ bệnh nhân và thân nhân. Điều trị bệnh nhân tại bệnh viện tuyến cuối ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần Đơn cử, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ y bác sĩ cấp cứu bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Hôm 25/4, các bác sĩ Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) bị người nhà bệnh nhân xô đẩy, tấn công trong lúc chữa cho bệnh nhi 12 tuổi bị sốc phản vệ. Tháng 3, một bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, Gia Lai bị người nhà đánh choáng đầu, hoảng loạn tâm lý. Vụ nam điều dưỡng bị tấn công tại Nam Định cũng gây bức xúc dư luận. Các giải pháp phòng ngừa đang được một số bệnh viện, cơ sở y tế triển khai thử nghiệm như áp dụng luân phiên ca kíp để giảm thời gian làm việc liên tục; xây dựng phòng nghỉ và không gian tâm lý để nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng; tổ chức các buổi tư vấn sức khỏe tâm thần định kỳ; tăng cường hoạt động hỗ trợ đồng nghiệp, thành lập nhóm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó stress; đề xuất cải thiện chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện học tập, nâng cao tay nghề và môi trường làm việc an toàn, nhân văn... Tuy nhiên, hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của ban lãnh đạo, nguồn lực đầu tư cũng như sự chung tay từ cộng đồng, hệ thống y tế quốc gia. Hiện nhiều nhân viên y tế vẫn tự khắc phục, "lấy sự bình phục của người bệnh để tiếp tục chiến đấu". "Làm cấp cứu, không phải lúc nào mình cũng là người chiến thắng. Nhiều lúc tôi muốn gục xuống, hai tay không nhấc lên được nhưng ý chí thúc giục đứng lên vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ", bác sĩ Thái nói. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress