Hồ sứa chứa khí độc chết người

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, May 11, 2025 at 5:55 PM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 10)

    Hồ Sứa ở Palau chứa hàng triệu con sứa vàng đặc hữu sống ở lớp nước trên cùng của hồ nhưng không bao giờ xuống dưới 15 m, nơi nước bão hòa khí độc.


    [​IMG]

    Hồ Sứa ở Palau chứa hàng triệu con sứa vàng. Ảnh: CRRF


    Hồ Sứa là một hồ nước mặn trên đảo Eil Malk ở Palau, chứa đầy sứa vàng, phân loài không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất. Theo Quỹ Nghiên cứu Rạn san hô (CRRF), hồ nước này là nơi ở của khoảng 5 triệu con sứa, dù có những năm như 2005, số lượng sứa vượt quá 30 triệu con.

    Hồ Sứa có cấu trúc phân tầng, chia thành các lớp riêng biệt. Sứa vàng sống ở lớp trên cùng, kéo dài từ bề mặt xuống khoảng 13 m. Từ 13 đến 15 m, hồ chứa vi khuẩn màu hồng ngăn ánh sáng và oxy đến lớp dưới cùng của hồ, nằm ở độ sâu 15-30 m.

    Hồ nước thông với đại dương qua những khe nhỏ trong lớp đá vôi ở Eil Malk, nhưng vẫn được coi là một hệ sinh thái biệt lập, theo CRRF. Hồ Sứa hình thành vào cuối kỷ Băng hà cuối cùng cách đây khoảng 12.000 năm do băng tan và mực nước biển dâng cao. Nước biển tràn vào chỗ trũng trên các đảo của Palau và nơi khác, tạo ra ba loại hồ: hồ phân tầng như Hồ Sứa, hồ hỗn hợp nối liền với đại dương qua đường hầm lớn, hồ chuyển tiếp cũng nối với đại dương nhưng qua đường hầm nhỏ hơn.

    Lớp màu hồng của hồ Sứa tồn tại do điều kiện ở lớp đó phù hợp với một loại vi khuẩn có màu hồng. Những vi khuẩn này tạo ra rào cản giữa lớp trên có oxy của hồ và lớp dưới cùng không có oxy. Rào cản này dao động lên xuống tùy theo sự thay đổi mật độ trong nước.

    Tình trạng thiếu oxy dưới lớp màu hồng rất nguy hiểm đối với hầu hết sinh vật. Hơn nữa, thực vật và động vật phân hủy ở đáy hồ sứa giải phóng khí hydro sulfide độc hại, vì vậy chỉ một số vi sinh vật nhất định có thể tồn tại ở đó, theo CRRF.

    Số lượng sứa vàng đặc hữu của Hồ Sứa (Mastigias papua etpisoni) có thể đã tiến hóa từ một số ít sứa đốm (Mastigias papua) bị mắc kẹt bởi mực nước biển giảm sau khi hồ hình thành. Điều kiện độc đáo bên trong hồ buộc sứa phải thích nghi, dẫn đến phân loài mới, đặt tên theo cựu tổng thống Palau, Ngiratkel Etpison.

    Sứa vàng có mối quan hệ cộng sinh với tảo đơn bào quang hợp cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng để đổi lấy nơi sống. Sứa theo một mô hình di cư khác thường, bơi về phía Mặt Trời mọc và lặn, luôn tránh các cạnh của hồ có hải quỳ ăn sứa (Entacmaea medusivora) ẩn nấp. Loài hải quỳ săn mồi này thích bóng râm, vì vậy sứa vàng tiến hóa để ở trong vùng nước có ánh sáng Mặt Trời. Mỗi sáng, sứa tập trung dọc theo đường bóng râm phía đông của hồ, tạo thành "bức tường" sứa dưới nước.

    Dù sứa vàng có tế bào chích, vết chích nhẹ đến mức con người không cảm nhận được. Con người có thể bơi an toàn trong Hồ Sứa, nhưng cần tránh đưa các loài không phải bản địa vào hồ, vì chúng đang đe dọa hệ sinh thái mong manh tại đây.

    An Khang (Tổng hợp)​


    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Hồ sứa chứa khí độc chết người

Share This Page