Trung Quốc có 102 lò phản ứng hạt nhân gồm loại đang hoạt động, đang xây và đã được phê duyệt xây, tổng công suất lắp đặt 113 triệu kW. Đây là lần đầu tiên nước này đứng đầu thế giới về tổng quy mô điện hạt nhân, theo Báo cáo Phát triển Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc năm 2025 của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) hôm 27/4. Tuy nhiên, về số lò phản ứng đang hoạt động, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với 94 lò, trong khi đất nước tỷ dân chỉ có 58 lò. Nhà máy điện hạt nhân Qinshan ở huyện Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Hu Yuwei/GT Trong năm 2024, sản lượng điện hạt nhân tích lũy của Trung Quốc đạt 444,7 tỷ kWh, chiếm 4,72% tổng sản lượng điện cả nước và đứng thứ hai toàn cầu. Lượng khí thải CO2 giảm hàng năm khoảng 334 triệu tấn. Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có 28 lò phản ứng đang xây dựng. Công suất lắp đặt các lò đang xây của nước này đã dẫn đầu thế giới 18 năm liên tiếp. Theo báo cáo của CNEA, với tốc độ xây hiện tại, công suất lắp đặt các lò đang hoạt động của Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới trước năm 2030. Năm ngoái, Trung Quốc đã nội địa hóa 100% các thiết bị chính của điện hạt nhân và đảm bảo kiểm soát độc lập những công nghệ thành phần quan trọng. Số lượng thiết bị chính do nội địa sản xuất được bàn giao trong năm đạt 114 bộ, gấp đôi năm 2023. Cao Shudong, Phó chủ tịch điều hành CNEA, cho biết quá trình nghiên cứu và phát triển độc lập của Trung Quốc tiếp tục đạt những đột phá mới. Tổ máy số một của Guohe One, một dự án khoa học và công nghệ quốc gia lớn, đã hoàn thành và đi vào hoạt động, trong khi dự án Linglong One dự kiến hoàn thành và hoạt động vào năm 2026. Báo cáo hôm 27/4 cũng cho biết, Trung Quốc liên tục tiến bộ về hợp tác quốc tế, bao gồm tăng cường trao đổi và phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mở cửa 12 cơ sở nghiên cứu và nền tảng thí nghiệm cho thế giới. Hợp tác về điện hạt nhân với Nga, Pháp và những quốc gia khác cũng sâu rộng hơn. Chịu ảnh hưởng từ những yếu tố như biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và nhu cầu điện tăng cao do xây nhiều trung tâm dữ liệu, ngành điện hạt nhân toàn cầu đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo Dong Baotong, người đứng đầu Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, điện hạt nhân của nước này đã bước vào giai đoạn đỉnh của quá trình xây dựng quy mô lớn và cần đảm bảo các lò phản ứng hoạt động an toàn. Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược dài hạn về phát triển điện hạt nhân từ năm 2011. Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Trung Quốc thuộc Cơ quan Cải cách và phát triển kinh tế (NDRC), để đạt mục tiêu trung hòa carbon, nước này phải nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng lên 28%. Con số này năm 2022 chỉ là 5%. Điều này đồng nghĩa công suất hạt nhân tại đây phải đạt 554 GW vào 2050. Thu Thảo (Theo Global Times, Interesting Engineering) Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ