Những lá gan 'tình thân' hiến ghép tái sinh nhiều đứa trẻ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 29, 2025 at 11:10 PM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 7)

    TP HCMTrong số 53 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một trường hợp từ người hiến chết não, 29 trẻ nhận gan từ mẹ, 14 từ bố và có bé được ông nội hoặc cô, chú hiến.


    "Hầu hết ca ghép gan từ người hiến sống là bố mẹ tặng gan cho con", bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Khoa Gan Mật tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, nói tại lễ kỷ niệm 20 năm ghép gan của bệnh viện, ngày 29/4. Đây là nơi thực hiện ca ghép gan trẻ em đầu tiên phía Nam - ca ghép nhỏ tuổi nhất Việt Nam vào năm 2005, từ mẹ hiến tạng cho con, do GS.TS.BS Trần Đông A đứng đầu và sự hỗ trợ của GS Raymond Reding từ Bỉ.

    Theo giáo sư Đông A, chương trình ghép gan đầu tiên xuất phát từ thành công của ca tách song sinh Việt - Đức năm 1988. Ca mổ này gây tiếng vang trên thế giới, ông được mời đi báo cáo khắp nơi trong bối cảnh Việt Nam còn bị cấm vận. Từ đó, ông có duyên gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu thế giới về ghép tạng nhi và nhận được sự hỗ trợ đưa các y bác sĩ ra nước ngoài học, về nước triển khai ghép tạng.

    Thuở ban đầu, điều kiện vô cùng thiếu thốn, nhiều xét nghiệm phải gửi đi nước ngoài thực hiện, song các ca ghép đầu có kết quả tốt. Một trong những ca ghép gan đầu tiên là bé Thanh Giang, lên bàn mổ nhận lá gan từ mẹ khi 11 tháng tuổi, nay 20 tuổi, là sinh viên đại học ngành marketing. Những năm qua, Giang duy trì uống thuốc chống thải ghép, thỉnh thoảng vào viện tái khám theo chỉ định bác sĩ. Nhờ "món quà tái sinh" từ mẹ, cô gái có cuộc sống như bao bạn bè đồng trang lứa.


    [​IMG]

    Ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 năm 2005. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Từ năm 2005 đến 2019, bệnh viện thực hiện 13 ca ghép, trung bình mỗi năm một trường hợp. Đại dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia nước ngoài không thể sang hỗ trợ, việc ghép gan bị gián đoạn. Một số trẻ không thể cầm cự chờ ghép gan đã vĩnh viễn ra đi khiến các y bác sĩ quyết tâm tự lực thực hiện từ năm 2021, thực hiện liên tục 12 ca trong hơn một năm.

    Từ 2023 đến nay, số ca tăng nhanh với 28 trường hợp, nâng tổng số ca ghép lên 53, vượt ngoài kỳ vọng của y bác sĩ. Trong đó, chỉ định ghép gan ngày càng được mổ rộng, thực hiện ở những trường hợp có bệnh lý phức tạp, khó khăn hơn so với trước. Nơi này đang tăng tốc trong thời gian tới bởi đây là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy gan, xơ gan giai đoạn cuối.

    "Điều đáng mừng là tất cả người hiến sống đều khỏe mạnh sau mổ lấy gan, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Khánh nói.

    Trong 53 ca ghép, hiện 45 trẻ còn sống, chiếm tỷ lệ 85%, tương đối tốt với các trung tâm ghép trong khu vực. Trong 8 ca tử vong, nguyên nhân chủ yếu là rối loạn tăng sinh bạch huyết sau cấy ghép (PTLD), nhiễm trùng. Điều đáng tiếc là một trường hợp tử vong do thải ghép vì bệnh nhân tự ý bỏ thuốc, sau thời gian dài sống khỏe mạnh với lá gan nhận được từ mẹ.

    Đầu tháng 4, bệnh viện thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ người đàn ông chết não, cho bé gái 21 tháng tuổi, bị ứ mật trong gan tiến triển có tính chất gia đình (PFIC 1), vàng da tiến triển. Bố mẹ bé đã bế con đi xe máy gần 300 km về TP HCM trong đêm để nhận gan. Hiện bé đang dần hồi phục, các chỉ số cải thiện tốt, chi phí ca mổ do bệnh viện vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.

    Theo BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ca ghép là một thành tựu của y học, sự nỗ lực thầm lặng của các y bác sĩ. Bên cạnh chuyên môn y khoa, hành trình 20 năm qua gắn liền với tình yêu thương vô điều kiện của những bậc cha mẹ - người sẵn sàng đánh đổi tất cả để giành lại sự sống cho con. Đó còn là sự hy sinh cao cả của những người hiến gan, những người hùng thầm lặng đã trao đi một phần cơ thể để cứu các bé vượt ranh giới sinh tử. Các bé hồi sinh, lớn lên khỏe mạnh, có thể đến trường, vui đùa bên bạn bè và sống cuộc đời trọn vẹn bên gia đình.


    [​IMG]

    Các y bác sĩ và gia đình bệnh nhi tại lễ kỷ niệm 20 năm ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 29/4. Ảnh: Nguyễn Tâm


    Từng tham gia ca mổ ghép gan đầu tiên, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá cao những thành quả của các êkíp ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2 trong 20 năm qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển chuyên sâu của y tế thành phố. Nơi đây được định hướng phát triển thành trung tâm ghép tạng nhi khoa hàng đầu của phía Nam cũng như cả nước.

    Trở ngại lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng hiến, bên cạnh chi phí ghép vẫn còn cao, quá khả năng của nhiều gia đình, phải nhờ đến sự hỗ trợ của cộng đồng. Một số trẻ tử vong do không tìm được người hiến phù hợp, không thể chờ đợi kịp trong lúc bố mẹ điều chỉnh các vấn đề sức khỏe như thừa cân, gan nhiễm mỡ hay lao phơi nhiễm. Các bác sĩ mong muốn Việt Nam xem xét sớm áp dụng cho phép hiến tạng nhân đạo từ trẻ em dưới 18 tuổi khi chết não, như nhiều quốc gia trên thế giới.

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Những lá gan 'tình thân' hiến ghép tái sinh nhiều đứa trẻ

Share This Page