Thiếu máu xảy ra do thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, dẫn đến mệt mỏi, yếu, khó thở, rụng tóc và chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn. Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin trong hồng cầu thấp hơn bình thường. Hemoglobin là loại protein cần thiết để vận chuyển oxy trong máu. Nếu có quá ít hồng cầu hoặc không đủ hemoglobin, khả năng vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể giảm dẫn đến các triệu chứng thiếu máu. Thiếu máu có thể do một số yếu tố gây ra như thiếu hụt chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc không thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Tình trạng nhiễm trùng (sốt rét, nhiễm ký sinh trùng, lao, HIV), viêm, bệnh mạn tính, rối loạn hồng cầu di truyền cũng là nguyên nhân. Dưới đây là những dấu hiệu sớm có thể cảnh báo cơ thể thiếu máu. Khó thở Khó thở là triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu. Các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến mọi cơ quan và mô trong cơ thể. Suy giảm lượng hồng cầu khiến các cơ quan và mô khó nhận được oxy hơn, gây khó thở. Rụng tóc và móng giòn Quá trình cung cấp oxy cho nang tóc và móng giảm có thể khiến chúng yếu đi, dẫn đến rụng tóc quá nhiều, còn móng giòn và dễ gãy. Người bị thiếu máu dễ nhận thấy tóc mỏng đi, móng xuất hiện các đường gờ. Thay đổi vị giác Thiếu máu có thể gây ra cảm giác nóng rát, đau ở lưỡi, khiến lưỡi có cảm giác sưng và trơn. Tình trạng này gọi là viêm lưỡi teo, cũng có thể dẫn đến những thay đổi về vị giác. Một số người thiếu máu thiếu sắt thèm ăn những đồ không phải thực phẩm như đá hoặc đất sét. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt Thiếu máu có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều hơn, kéo dài hoặc không đều. Mất máu quá nhiều khiến thiếu sắt nặng hơn, gây mệt mỏi, chóng mặt. Trong một số trường hợp, thiếu sắt ảnh hưởng đến sản xuất hormone, dẫn đến kinh nguyệt ít hơn hoặc mất kinh. Tình trạng mạn tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức năng lượng, khả năng tập trung và sức khỏe sinh sản nói chung ở phụ nữ. Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu máu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người gặp các biểu hiện trên cần đi khám sức khỏe sớm để tìm ra giải pháp khắc phục. Ăn thực phẩm giàu chất sắt cũng góp phần giảm thiếu máu. Một số thực phẩm bổ dưỡng, có hàm lượng sắt cao bao gồm thịt, trứng, rau lá xanh đậm (bina, cải xoăn), thực phẩm tăng cường chất sắt như ngũ cốc, các loại đậu và hạt, hải sản, trái cây sấy khô. Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, dùng thuốc bổ sung cũng giúp tăng lượng sắt và hemoglobin trong cơ thể. Tuy nhiên, mỗi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng, cách bổ sung phù hợp. Bảo Bảo (Theo Times of India) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress