Bác sĩ quảng cáo sữa giả nói 'bị lợi dụng'

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Apr 15, 2025 at 5:26 PM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 14)

    PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, nói "bị lợi dụng" khi đề cập đến việc bà xuất hiện trong video quảng cáo sữa của Hacofood Group - vừa bị phát hiện là hàng giả.


    "Tôi bị lợi dụng, rất bất ngờ khi nghe tin sữa giả", PGS Lâm nói với VnExpress ngày 15/4, sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây liên quan Hacofood sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai.

    Bà Lâm xuất hiện trong video dài 7 phút phát trên kênh YouTube "Tập đoàn Dược Quốc tế" giới thiệu Công ty Hacofood Group đã sản xuất nhiều sản phẩm như sữa dinh dưỡng Talacmum, Darifa Gold, Kasumi, The Empire, Kawai, Gumi Colos 24h Baby... Trong video, bà Lâm "đánh giá rất cao" Hacofood và nói "đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn FDA", rằng "sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí nghiêm ngặt, khắt khe".

    Giải thích về việc có mặt trong video trên, bà Lâm cho hay năm 2023 bà được một đơn vị truyền thông mời tham gia giới thiệu về Công ty Hacofood. Đơn vị truyền thông này cung cấp các giấy tờ, trong đó có chứng nhận FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) của nhà máy, khiến bà tin tưởng. Bản thân bà từng đến nhà máy, nhận thấy "có dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giấy tờ đầy đủ".

    "Tôi không liên quan sản xuất", PGS Lâm nói, thêm rằng "các giấy tờ về thực hành sản xuất đầy đủ, cơ quan thẩm định kiểm tra đủ điều kiện, nhưng khi sản xuất thì họ làm sai".


    [​IMG]

    PGS.TS Nguyễn Thị Lâm xuất hiện trong video giới thiệu về Hacofood. Ảnh: Xử lý từ video


    Điều tra ban đầu của Bộ Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay các nghi phạm thành lập Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột. Công an nhận định đây là đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trước đó, website, fanpage, mạng xã hội những công ty này và nhãn hàng liên quan đăng tải nhiều video quảng cáo các loại sữa trên, trong đó có hình ảnh một số bác sĩ.

    Trong một video quảng cáo sữa Talacmum dài hơn 13 phút, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói "nguyên liệu, sản phẩm được nhập khẩu 100% từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác", "công đoạn sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín"...

    Bà Hải nói trong video rằng sữa Talacmum "bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo". Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, sản phẩm được công bố thành phần chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế hoàn toàn không có những chất này. Đơn vị sản xuất đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.

    Hiện bà Hải chưa có ý kiến về việc có mặt trong video quảng cáo sữa trên.

    Cũng xuất hiện trong video quảng cáo còn có một người mặc áo blouse xưng là TS.BS Đinh Ngọc Hoa, được giới thiệu "chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn". Ngày 15/4, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định hiện trong danh sách nhân sự tại bệnh viện không có tên Đinh Ngọc Hoa.

    Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về hiện tượng nhiều bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thậm chí biến chúng thành "thần dược". Bên cạnh đó, một số cá nhân giả danh bác sĩ để lặp lại những chiêu trò quảng cáo lừa đảo, gây mất niềm tin và nguy cơ sức khỏe cho người dân. Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đều nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của y bác sĩ trong quảng cáo. Điều 197 Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.

    Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế để nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ y tế tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và uy tín của ngành y.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bác sĩ quảng cáo sữa giả nói 'bị lợi dụng'

Share This Page