UBND TP HCM công bố 19 phường, xã thuộc 6 quận, huyện đã hết dịch sởi, nâng tổng số địa phương kiểm soát được dịch lên 64. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy đã ký quyết định công bố hết dịch sởi đợt ba vào chiều 14/4, theo đề xuất của Sở Y tế. Các phường, xã liên quan trải qua hơn 21 ngày không ghi nhận ca mắc mới, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, đáp ứng đủ điều kiện kết thúc dịch. Danh sách gồm: phường Cầu Ông Lãnh, Cô Giang (quận 1); các phường 4, 9, 11, 13, 14 (quận 5); phường 6, 8, 9, 10, 13, 15 (quận 10); phường 12 (Phú Nhuận); xã Trung Chánh (Hóc Môn); xã An Phú Tây, Quy Đức, Bình Chánh, Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh). Trước đó, ngày 27/3, TP HCM công bố hết dịch ở 22 phường xã và ngày 11/4 ở 23 phường xã. Hiện, nơi này có 273 phường, xã, thị trấn thuộc 16 quận, 5 huyện và một thành phố. Theo quy định, trách nhiệm công bố dịch và hết dịch thuộc UBND tỉnh thành. Quyết định công bố hết dịch có thể áp dụng riêng lẻ cho từng vùng, phường xã nếu đáp ứng đủ các điều kiện như trên. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, sau khi công bố hết dịch, thành phố tiếp tục giám sát, phát hiện sớm ca nghi sởi trong cộng đồng và trường học để xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bùng phát. Công tác tiêm chủng vẫn được duy trì để đảm bảo trẻ được tiêm đủ hai mũi vaccine, cùng tiêm bù cho các trường hợp chưa đủ mũi. Kiểm tra nhiệt độ trước khi tiêm vaccine sởi cho trẻ trong chiến dịch tại TP HCM. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM Ngày 27/8 năm ngoái, UBND TP HCM công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca sởi liên tục được phát hiện sau hai năm không ghi nhận ca nào. Giám sát huyết thanh khi ấy cho thấy tỷ lệ trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%, trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ miễn dịch cần đạt trên 95%. Ca mắc tăng nhanh liên tục như dự báo. Thành phố mở chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi ngay sau đó từ ngân sách địa phương, thực hiện xuyên suốt, kể cả ngày lễ. Từ 7/9, thành phố khởi động chiến dịch tiêm vaccine tại trường học. Hệ thống tiêm chủng tư nhân cũng đồng loạt vào cuộc, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm cho trẻ. Song song với chiến dịch tiêm chủng, ngành y tế triển khai kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, điều tra và xử lý dịch tại cộng đồng. Quá trình giám sát ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở nhóm tuổi 6-9 tháng tuổi. Đây là nhóm chưa đủ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã giảm dưới mức bảo vệ. Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế tiêm vaccine cho trẻ độ tuổi này, được chấp thuận và triển khai tiêm từ 12/11. Thời gian qua, các bệnh viện cũng tập trung chăm sóc điều trị trẻ để kiểm soát số ca nặng và tử vong do bệnh sởi. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, các bệnh viện TP HCM tiếp nhận hơn 8.000 ca sởi, hơn 12.000 ca sởi từ các tỉnh thành khác chuyển đến. Tại Hà Nội, giới chức ghi nhận 212 ca sởi trong tuần qua, nâng tổng số lên hơn 1.600 ca từ đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có trường hợp nào, số ca tiếp tục tăng nhanh. Hai trường hợp tử vong do sởi là một bé gái 4 tuổi điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương và một người đàn ông điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Cả hai gặp nhiều biến chứng do mắc nhiều bệnh nền. Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh thành, thay vì chờ đủ 9 tháng tuổi như thông lệ. Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch sởi. Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, ăn uống đầy đủ, nâng cao thể lực và giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ bệnh sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó. Lê Phương - Lê Tuyết Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress