Hormone tiết ra khi căng thẳng gây thèm ăn, nhất là đồ ngọt, béo, dễ gây tăng cân nếu ăn không kiểm soát. Nhiều người tìm đến đồ ăn nhẹ hoặc món ăn yêu thích khi căng thẳng hoặc trải qua những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, sau một cuộc cãi vã, bạn có thể muốn ăn bánh ngọt, một túi khoai tây chiên hoặc một thanh kẹo thay vì giải quyết chúng theo những cách lành mạnh hơn. Đây được gọi là hành vi ăn uống theo cảm xúc, tức ăn để xoa dịu hoặc kìm nén những cảm giác khó chịu. Song hành động này chỉ mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời. Về mặt sinh lý, căng thẳng khiến tuyến thượng thận giải phóng một loại hormone gọi là cortisol, từ đó làm tăng cảm giác thèm ăn và mong muốn ăn đồ ngọt, mặn hoặc béo. Cơn thèm ăn này không phải là kết quả của việc bụng đói. Quá nhiều tác nhân gây căng thẳng hàng ngày không được kiểm soát có thể dẫn đến mức cortisol cao khiến ăn quá nhiều và tăng cân. Thông thường, căng thẳng sẽ giảm và cortisol trở lại mức cơ bản. Ăn đồ ngọt giúp xoa dịu căng thẳng tạm thời nhưng không có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Ngọc Phạm Một số gợi ý dưới đây có thể giúp ngăn thói quen ăn do căng thẳng. Xác định tác nhân gây căng thẳng Điều này bắt đầu bằng việc tự nhìn nhận lại bản thân. Trước khi vào bếp tìm đồ ăn, hãy tự hỏi liệu bạn đang ăn vì đói hay là phản ứng với điều gì khác. Mỗi lần điều này xảy ra, hãy xác định xem bạn đang phản ứng với điều gì và ghi chú lại. Nhờ đó, bạn xác định tình huống nào gây ra tình trạng ăn do căng thẳng. Loại bỏ thực phẩm không lành mạnh khỏi bếp Hầu hết mọi người có thể nêu tên các loại thực phẩm mà họ hay ăn khi căng thẳng. Hãy loại bỏ các loại thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa. Thay thế chúng bằng các lựa chọn bổ dưỡng hơn có thể giúp kiềm chế cơn đói như táo và bơ đậu phộng tự nhiên hoặc cà rốt... Tham gia các hoạt động khác Khi căng thẳng cao độ và thực phẩm không lành mạnh ngay trước mắt, bạn nên tìm những cách khác để giảm căng thẳng. - Đi bộ 10-15 phút. - Thực hành thở bằng cơ hoành trong 3-5 phút (thở bụng). - Uống một cốc nước, có thể pha thêm loại trái cây yêu thích vào nước để tăng thêm hương vị. - Trò chuyện với bạn bè hoặc người thân. - Viết nhật ký. - Tập thể dục hoặc thực hiện một vài tư thế yoga giải tỏa căng thẳng như tư thế cúi người về phía trước, tư thế con bướm, tư thế tam giác hoặc tư thế chân kê tường. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, hoạt động thể chất cũng có thể giảm huyết áp, bệnh tim, béo phì, đau đầu mạn tính. - Dùng sách tô màu dành cho người lớn và giải tỏa căng thẳng bằng sự sáng tạo. - Đọc sách hoặc giải ô chữ. - Hãy giữ cho đôi tay bận rộn với một sở thích như đan lát, vẽ hoặc bóp một quả bóng giảm căng thẳng. Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không có tác dụng hoặc mức độ căng thẳng ngày càng tăng, bạn nên đi khám và trao đổi với bác sĩ tâm lý để kiểm soát căng thẳng. Anh Ngọc (Theo Healthline) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress