'Bùn phun trào ở Phú Yên do trương nở sét khi gặp nước'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 11, 2025 at 6:06 PM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 49)

    Chuyên gia cho biết hiện tượng bùn trào lên từ lòng đất ở Phú Yên do hợp phần sét bị trương nở và phân tán mạnh khi bão hòa nước tạo áp lực đẩy phồng, làm cho bùn phun tràn trên bề mặt.


    Những ngày qua, hiện tượng bùn mịn (lỏng) có màu vàng nhạt liên tục trào lên qua các vết nứt dài hơn một mét ở khu đất xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân gây chú ý. Hiện chưa xác định được độ sâu của điểm trào bùn cũng như nguyên nhân hiện tượng.

    Chuyên gia về địa chất nhận định hiện tượng "phun bùn" như ở Phú Yên không phải mới, bất thường. PGS.TS Phạm Tích Xuân, Viện Địa chất (nay là Viện Các khoa học Trái Đất), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay "phun bùn" là cách gọi các ụ đất bị phồng lên và trở lên bùng nhùng, đôi khi có bùn nhão màu xám xanh đùn tràn trên bề mặt.

    Trong quá khứ, nhiều khu vực như xã Nhị Hà và Lợi Hải, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), khu vực Ma Lâm (Phan Thiết), huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) hay thị trấn Phú Túc (Krông Pa, Gia Lai) đã từng xuất hiện hàng loạt các ụ bùn tương tự.


    [​IMG]

    Phần bùn nước màu vàng nhạt trào lên từ khe nứt dưới lòng đất ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên, sáng 8/4. Ảnh:Cao Quốc


    PGS Xuân lý giải, đất ở dải Duyên hải Nam Trung Bộ (kéo dài từ Phú Yên vào đến Bình Thuận) được hình thành từ các sản phẩm phong hóa trong điều kiện khí hậu khô và bán khô đặc trưng bởi hợp phần sét montmorilonit cao. Hàm lượng hợp phần montmorilonit cao và độ soda (tức lượng Na trao đổi có trong đất) lớn khiến chúng có thể tăng thể tích lên nhiều lần do đặc tính trương nở và dễ phân tán khi gặp nước. Đây chính là điều kiện thuận lợi xuất hiện các điểm phun bùn. Lúc này, sự xuất hiện của nước ngầm (mực nước ngâm nâng cao) sẽ làm cho sét bị bão hòa nước tạo áp lực đẩy phồng, thậm chí làm cho bùn phun tràn lên trên bề mặt.

    "Khả năng phân tán cao và trương nở mạnh khi gặp nước của sét chính là nguyên nhân gây ra các ụ bùn ở Phú Yên, Ninh Thuận", PGS Xuân nói, thêm rằng phun bùn là hiện tượng ngoại sinh. "Không có cơ sở cho thấy đây là núi lửa bùn vì nó khác hoàn toàn về bản chất và cũng không liên quan đến hoạt động núi lửa", ông nhấn mạnh.

    Cho đến nay, mới có duy nhất công trình nghiên cứu về hiện tượng phun bùn ở xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) và xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do nhóm nghiên cứu của PGS Phạm Tích Xuân thực hiện năm 2014. Công trình được công bố trên tạp chí Các Khoa học về Trái đất năm 2016.

    Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát đánh giá đặc điểm địa chất và phân tích thành phần (khoáng vật, hóa học) các điểm phun bùn. Kết quả cho thấy bùn tại các ụ bùn ở Ninh thuận có hàm lượng khoáng vật sét cao (40-50%) trong đó chủ yếu là montmorilonit, có mẫu lên tới 36%. Các ụ bùn bị đẩy phồng có chiều cao có thể lên tới 0,5m, chiều sâu ụ bùn có thể tới 4-5m. Độ sâu của các ụ bùn phụ thuộc vào chiều dày của tầng sét giàu montmorilonit. Các tác giả cho rằng, hiện tượng phun bùn ở Ninh Thuận và tương tự ở một số khu vực khác là do hiện tượng trương nở và chảy lỏng khi bão hòa nước của sét giàu thành phần montmorilinot trong đất.

    Theo PGS Xuân, dựa vào các đặc điểm địa chất có thể dự báo được những khu vực có khả năng xuất hiện hiện tượng phun bùn tại khu vực thuộc dải đồng bằng Duyên hải Nam Trung Bộ.

    [​IMG]

    Bùn trào lên từ lòng đất ở Phú Yên. Video: Bùi Toàn - Đỗ Nam


    Như Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Bùn phun trào ở Phú Yên do trương nở sét khi gặp nước'

Share This Page