Hồ nước khổng lồ biến thành sa mạc trẻ nhất hành tinh

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 11, 2025 at 6:02 AM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 46)

    Biển Aral từng là một trong những hồ lớn nhất thế giới, nhưng việc mất nguồn cung cấp nước từ hai con sông gần đó khiến hồ dần khô cạn.


    [​IMG]

    Ảnh vệ tinh của Biển Aral năm 1989 và năm 2024. Ảnh: NASA


    Trước những năm 1960, Biển Aral là hồ nước lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, gần 7 thập kỷ qua, hồ nước mặn khổng lồ này dần chia tách thành những hồ nhỏ hơn, phần lớn bề mặt ban đầu bốc hơi hoàn toàn và để lại một sa mạc trẻ.

    Biển Aral từng có diện tích khoảng 68.000 km2. Nếu vẫn giữ nguyên diện tích đến ngày nay, đây sẽ là hồ nước lớn thứ 3 thế giới xét theo diện tích bề mặt, chỉ sau Biển Caspi và hồ Superior. Nhưng thực tế, danh hiệu này đang thuộc về hồ Victoria. Hồ Victoria cũng thay đổi kích thước trong vài thập kỷ qua, nhưng không nhiều như Biển Aral. Các hồ còn lại của Biển Aral có diện tích bề mặt chỉ bằng khoảng 10% diện tích của hồ lớn ban đầu.

    Biển Aral hiện nằm ở khu vực biên giới giữa Kazakhstan và Uzbekistan. Tuy nhiên, để hiểu được quá trình hồ nước thu nhỏ như hiện nay, cần trở lại thời Liên Xô. Thời điểm đó, hai nguồn nước ngọt chính của Biển Aral là sông Syr Darya và Amu Darya. Chúng cung cấp nước ngọt giúp duy trì hồ nước khổng lồ trong một khu vực vốn khô cằn.

    Những năm 1960, sông Syr Darya và Amu Darya bắt đầu được sử dụng ngày càng nhiều cho mục đích tưới tiêu. Một lượng lớn nước sông bị chuyển hướng để tưới cho 7 triệu ha cánh đồng bông của Liên Xô. Điều này làm giảm lượng nước chảy vào Biển Aral, khiến hồ giảm đáng kể kích thước. Đến cuối những năm 1980, hồ nước tách đôi. Hồ Aral Lớn nằm ở phía nam, vẫn ở khu vực biên giới, trong khi hồ Aral Nhỏ giờ nằm hoàn toàn trong Kazakhstan.

    Hai thập kỷ nữa trôi qua và tình hình tiếp tục xấu đi. Aral Lớn lại bị chia thành hai nửa: một nửa phía đông và một nửa phía tây.

    Trong ảnh vệ tinh mới do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hôm 4/4, hồ Aral Nhỏ phía bắc (nằm phía trên hồ Aral Lớn) bị băng bao phủ. Phần phía tây của hồ Aral Lớn chỉ còn là một dải nhỏ hẹp, trong khi phần phía đông gần như đã biến mất, để lại một vùng đất mặn khô cằn. Vùng đất này chính là sa mạc Aralkum - sa mạc trẻ nhất Trái Đất.


    [​IMG]

    Ảnh vệ tinh do ESA công bố hôm 4/4 cho thấy hồ Aral Nhỏ bị băng bao phủ trên phía bắc, trong khi hồ Aral Lớn bên dưới chỉ còn một dải nước hẹp ở phía tây. Ảnh: ESA


    Việc hồ nước lớn biến thành sa mạc gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Biển Aral từng có ngành đánh bắt cá phát triển mạnh nhưng giờ đã biến mất. Vi khí hậu của khu vực cũng hoàn toàn thay đổi: mùa đông lạnh hơn, mùa hè nóng hơn và hằng năm, những cơn bão cát dữ dội đã rải cát và muối đi hàng trăm km, phá hủy mùa màng, làm ô nhiễm nguồn nước uống và ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân. Nồng độ muối trong lượng nước còn lại của hồ cũng tăng lên cao hơn đại dương, giết chết đa số sinh vật bản địa trong hồ và làm sụp đổ hệ sinh thái địa phương.

    "Đây chắc chắn là một trong những thảm họa môi trường lớn nhất thế giới", Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về Chống sa mạc hóa, nhận định năm 2024. Các nghiên cứu chỉ ra, Biển Aral biến mất đã khiến lượng bụi trong khí quyển của khu vực này tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1984 - 2015, từ 14 triệu tấn lên 27 triệu tấn.

    Biển Aral là lời cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả thảm khốc và phức tạp khi không ưu tiên cung cấp đủ nước cho môi trường địa phương. Toàn bộ vùng phía nam dự kiến sẽ sớm khô cạn. Trong khi đó, các nỗ lực quốc tế đang hướng đến bảo tồn hồ Aral Nhỏ ở phía bắc. Đê Kok-Aral được xây dựng để ổn định dòng chảy của sông Syr Darya và trong 20 năm qua, mực nước ở hồ Aral Nhỏ đã tăng thêm 4 m.

    Thu Thảo (Theo IFL Science)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Hồ nước khổng lồ biến thành sa mạc trẻ nhất hành tinh

Share This Page