Phân tích chi tiết ảnh scan kỹ thuật số kích thước thật của tàu Titanic cung cấp chi tiết mới về những giờ cuối cùng của tàu chở khách xấu số. Ảnh scan kỹ thuật số cho thấy mũi thuyền nằm thẳng đứng trên đáy biển. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan Bản mô phỏng 3D chính xác cho thấy mức độ dữ dội của quá trình tàu bị gãy làm đôi trong lúc chìm sau khi đâm phải núi băng trôi vào năm 1912, thảm họa khiến 1.500 người thiệt mạng. Ảnh scan cung cấp góc nhìn mới về phòng hơi nước, xác nhận lời kể của nhân chứng về các kỹ sư làm việc đến tận phút chót để duy trì đèn sáng trên tàu, BBC hôm 8/4 đưa tin. Mô phỏng máy tính cũng hé lộ những lỗ thủng ở thân lớn cỡ tờ giấy A4 đã dẫn tới thảm kịch của con tàu, theo Parks Stephenson, nhà phân tích tai nạn tàu Titanic. Ảnh scan được nghiên cứu trong bộ phim tài liệu mới mang tên Titanic: The Digital Resurrection của National Geographic và Atlantic Productions. Xác tàu nằm ở độ sâu 3.800 m dưới mặt biển đầy băng của Đại Tây Dương, được lập bản đồ bằng robot dưới nước. Phiên bản kỹ thuật số của con tàu là kết quả từ hơn 700.000 ảnh chụp từ mọi góc độ. Do xác tàu Titanic quá lớn và nằm trong bóng tối, việc thám hiểm tàu bằng tàu lặn chỉ thu được ảnh chụp mơ hồ. Tuy nhiên, ảnh scan cung cấp hình ảnh đầy đủ đầu tiên của tàu Titanic. Phần mũi khổng lồ của tàu nằm thẳng đứng trên đáy biển, như thể con tàu đang tiếp tục hành trình của nó. Nhưng cách đó 600 m, đuôi tàu đã trở thành đống kim loại đổ nát. Hư hỏng xảy ra do đuôi tàu đâm vào đáy biển sau khi tàu gãy làm đôi. Công nghệ lập bản đồ mới cũng cung cấp một cách khác để nghiên cứu tàu, theo Parks Stephenson. Hình ảnh đầy đủ của toàn bộ khu vực xác tàu tàu là chìa khóa nhằm hiểu rõ những gì đã xảy ra. Ảnh scan hé lộ nhiều chi tiết cận cảnh, bao gồm một ô cửa sổ ở mạn tàu chắc chắn bị núi băng trôi đâm trúng. Điều này phù hợp với lời kể của người sống sót rằng băng tràn vào một số cabin trong suốt vụ va chạm. Các chuyên gia nghiên cứu một trong những phòng hơi nước khổng lồ của tàu Titanic rất dễ thấy từ ảnh scan bởi nó nằm ở phía sau phần mũi tàu ở vị trí tàu gãy làm đôi. Hành khách chia sẻ đèn vẫn sáng khi tàu chìm dưới những con sóng. Bản mô phỏng kỹ thuật số cho thấy một số nồi hơi bị lõm, chứng tỏ chúng vẫn đang hoạt động khi chìm xuống nước. Trên boong của đuôi tàu, chuyên gia cũng phát hiện một van đang ở vị trí mở, có nghĩa hơi nước vẫn đổ vào hệ thống sản xuất điện. Đó là do đội kỹ sư do Joseph Bell dẫn đầu vẫn xúc than đá vào lò để giữ đèn sáng. Tất cả đã chết trong vụ tai nạn nhưng hành động anh hùng của họ đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng, theo Stephenson. "Họ đã giữ đèn và hệ thống điện hoạt động đến phút chót, giúp thủy thủ đoàn có thời gian hạ xuồng cứu sinh dưới ánh đèn thay vì trong ánh tối hoàn toàn. Họ đã ngăn chặn tình trạng hỗn loạn lâu hết mức có thể", ông nói. Mô phỏng mới cũng cung cấp thêm hiểu biết về quá trình chìm tàu. Các nhà nghiên cứu phải lập phiên bản cấu trúc chi tiết của tàu, tạo ra từ thiết kế của tàu Titanic, kết hợp với thông tin về tốc độ, hướng và vị trí, để dự đoán thiệt hại khi tàu đâm vào núi băng trôi. "Chúng tôi sử dụng thuật toán số học cao cấp, mô hình máy tính và khả năng của siêu máy tính để phục dựng lại khoảnh khắc tàu Titanic chìm", giáo sư Jeom-Kee Paik đến từ Đại học London, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Mô phỏng cho thấy vụ va chạm với núi băng trôi để lại hàng loạt lỗ thủng chạy dọc khu vực hẹp ở thân tàu. Titanic từng được cho là con tàu không thể chìm, được thiết kế để nổi ngay cả khi 4 khoang kín nước bị ngập. Nhưng mô phỏng tính toán hư hỏng do núi băng trôi trải rộng khắp 6 khoang. Theo Simon Benson, phó giảng viên kiến trúc hải quân ở Đại học Newcastle, vấn đề nằm ở chỗ những lỗ thủng nhỏ chạy dọc chiều dài con tàu, vì vậy nước ngập tràn vào chậm nhưng chắc chắn đổ vào mọi lỗi, cuối cùng làm ngập hết các khoang và khiến tàu chìm dần. Bi kịch của tàu Titanic vẫn có thể nhìn thấy rõ ngày nay. Những tài sản cá nhân của hành khách trên tàu nằm rải rác khắp đáy biển. Ảnh scan cung cấp manh mối mới về đêm xảy ra thảm họa năm 1912 nhưng các chuyên gia sẽ mất nhiều năm để kiểm tra cặn kẽ mọi chi tiết của bản mô phỏng 3D. An Khang (Theo BBC) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress