Lừa đảo 21 triệu USD bằng AI deepfake người nổi tiếng

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Apr 9, 2025 at 6:12 PM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 61)

    Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 6 người đứng sau loạt vụ lừa đảo đầu tư tiền số quy mô lớn bằng chiêu AI deepfake dụ dỗ nạn nhân.


    Được gọi với tên mã Coinblack_Wendmine, chiến dịch do Cơ quan cảnh sát Tây Ban Nha (Policia National) triển khai từ năm 2023 sau khi nhận được một số đơn khiếu nại từ nạn nhân. Cơ quan này sau đó mở rộng điều tra và phát hiện hàng trăm nạn nhân trên toàn thế giới đã "dính bẫy".

    "Với sự trợ giúp của AI, kẻ lừa đảo đã tạo ra các quảng cáo giả mạo có sự góp mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng ở nhiều quốc gia khác nhau, cùng chung mục đích là khuyến nghị đầu tư vào các sản phẩm do chúng chỉ định", thông báo của Policia National ra thông báo và nhấn mạnh "điều này làm tăng đáng kể lòng tin của nạn nhân".


    [​IMG]

    Minh họa về một tổ chức tội phạm lừa đảo qua gọi điện. Ảnh: Bleeping Computer


    Theo cảnh sát, vụ lừa đảo được thực hiện với nhiều giai đoạn. Đầu tiên, chúng sử dụng "mồi nhử tình cảm", cố gắng làm quen nạn nhân và trở nên thân thiết, sau đó tự đóng vai trò "cố vấn tài chính" và thuyết phục đầu tư vào một sản phẩm, thường là các dự án tiền số do chúng vẽ ra.

    Để tăng khả năng thành công, chúng thường nghiên cứu nạn nhân rất kỹ, sau đó sử dụng thuật toán AI để chọn những người có hồ sơ khớp với yêu cầu. Khi đã tiếp cận, chúng tiếp tục tạo video deepfake người nổi tiếng đang quảng bá sản phẩm đó nhằm thuyết phục con mồi thấy được "sự an toàn" của các khoản đầu tư. Ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được một số lợi nhuận sau khi đầu tư dự án. Thực chất, các con số đã được thao túng phía sau.

    Tuy nhiên, đến một giai đoạn, kẻ lừa đảo sẽ thông báo rằng khoản đầu tư này đã "bị chặn" hoặc "bị khóa" vì một thao tác nào đó và đổ lỗi cho nạn nhân. Để "khắc phục", cách duy nhất là nộp vào một khoản tiền lớn nếu muốn rút toàn bộ tài khoản. Dù vậy, sau khi nộp, chúng sẽ yêu cầu thêm các khoản khác, hoặc lập tức chặn mọi liên lạc với nạn nhân.

    Ở giai đoạn cuối cùng, kẻ lừa đảo thậm chí còn sử dụng AI deepfake với giọng nói giả cảnh sát, đặc vụ hoặc luật sư và thông báo rằng tiền đã được thu hồi. Tuy nhiên, để nhận lại, nạn nhân cần nộp thêm một "khoản thuế".

    Theo đại diện Policia National, chỉ bằng chiêu này, đã có tới 208 nạn nhân trên toàn thế giới bị đánh lừa với số tiền tới 20,9 triệu USD. Sáu người bị bắt ở độ tuổi 34 đến 57, sống tại khu vực Granada và Alicante của Tây Ban Nha.

    Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ được 100.000 euro (2,85 tỷ đồng), điện thoại di động, máy tính, ổ cứng, vũ khí và nhiều tài liệu khác. Để che giấu, nhóm lừa đảo đã lập nhiều công ty bình phong để rửa tiền. Thủ lĩnh của nhóm này đã sử dụng hơn 50 bí danh khác nhau.

    Policia National khuyến cáo người dân nên cảnh giác với những lời hứa đảm bảo lợi nhuận cao bất thường, đồng thời nên tìm hiểu kỹ càng các nền tảng đầu tư, đặc biệt là tính hợp pháp và độ tin cậy, trước khi gửi bất kỳ khoản tiền nào lên đó. Nếu nền tảng tạo áp lực nộp tiền mới được rút tiền, không nên làm theo, thay vào đó nên thông báo cho cơ quan chức năng.

    "Video deepfake do AI tạo ra ngày một chân thực, vì vậy không nên tin tưởng chúng. Thay vào đó, nên trang bị cho bản thân các kiến thức về đầu tư, về trí tuệ nhân tạo và các giải pháp an toàn trên Internet", Policia National cho biết thêm.

    Giữa năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết người dân nước này mất tới 8 triệu USD tính riêng trong 2024 vì kẻ lừa đảo sử dụng các nền tảng đầu tư online và lợi dụng tối đa deepfake. Chiêu phổ biến nhất là sử dụng hình ảnh deepfake kèm bài báo và website giả để lừa nạn nhân tin những người nổi tiếng đang kêu gọi họ đóng góp tiền.

    Cho đến nay, nhiều chuyên gia và các tổ chức trên toàn cầu đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về nạn sử dụng AI cho lừa đảo. Evan Dornbush, cựu chuyên gia an ninh mạng của Cơ quan Anh ninh quốc gia Mỹ (NSA), nói với Forbes rằng AI có thể giúp kẻ lừa đảo tạo thông điệp đáng tin cậy và nhanh hơn, đồng thời chi phí cũng rẻ hơn. Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol cảnh báo AI đang góp phần đẩy nhanh tốc độ phạm tội. Giới chức Mỹ cho rằng cách tốt nhất để tránh bị lừa là "không bao giờ tin những người chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền số, cũng như hứa hẹn về lợi nhuận khổng lồ từ những khoản đầu tư nhỏ lẻ".

    Bảo Lâm tổng hợp

    • Kiếm nghìn USD bằng video 'chơi khăm' kẻ lừa đảo
    • Lừa đảo 'thao túng tâm lý' trên Internet diễn ra thế nào
    • Microsoft cảnh báo chiến dịch lừa đảo website đặt phòng
    • Cảnh báo mất tiền từ cuộc gọi 'không nói gì'
    • 5.000 vụ 'lừa đảo tình cảm' qua mạng từ nhóm Nigeria tới người dùng Việt

    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Lừa đảo 21 triệu USD bằng AI deepfake người nổi tiếng

Share This Page