MỹSử dụng những mẫu gene từ hóa thạch và kỹ thuật di truyền, các chuyên gia lần đầu tiên tạo ra ba con non thuộc loài sói Aenocyon dirus. Ba con non thuộc loài sói Aenocyon dirus đã tuyệt chủng. Video: Colossal Biosciences Sói Aenocyon dirus tuyệt chủng khoảng 12.500 năm trước, nhưng giờ đây, các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền Mỹ Colossal Biosciences đã đưa chúng quay trở lại, Live Science hôm 7/4 đưa tin. Nhóm nhà khoa học cho biết, họ đã thành công tạo ra ba con non của loài vật này, gồm hai con đực Romulus, Remus và con cái Khaleesi. "Nhóm của chúng tôi đã lấy ADN từ một chiếc răng 13.000 năm tuổi và một hộp sọ 72.000 năm tuổi để tạo ra những con sói con khỏe mạnh", Ben Lamm, CEO của Colossal Biosciences cho biết. Nhóm nghiên cứu sử dụng quy trình tương tự quy trình giúp cừu Dolly chào đời năm 1996. Để tạo ra một bản sao hoàn hảo bằng phương pháp này, các chuyên gia thu thập một tế bào từ đối tượng nhân bản và tách lấy vật liệu di truyền, vốn được lưu giữ trong nhân tế bào. Thông tin di truyền này sau đó được đưa vào trứng của một cá thể cùng loài mà nhân của chính nó đã bị loại bỏ. Lúc này, trứng đã chứa mọi thông tin di truyền cần thiết để tái tạo đối tượng nhân bản ban đầu và được đưa vào cá thể mang thai hộ. Sói Aenocyon dirus đã tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Do đó, để tái tạo bộ gene của loài vật này, nhóm nghiên cứu phải dùng các mẫu gene từ hóa thạch và so sánh chúng với bộ gene của những họ hàng còn sống như sói xám, chó rừng, cáo. Họ chọn sói xám làm động vật hiến trứng, vì chúng là họ hàng gần nhất còn sống của sói Aenocyon dirus. Phân tích gene giúp nhóm nhà khoa học xác định được 20 điểm khác biệt chính trong 14 gene tạo nên những đặc điểm riêng biệt của sói Aenocyon dirus, bao gồm kích thước lớn hơn, bộ lông trắng, răng lớn hơn và tiếng hú đặc trưng. Tiếp theo, họ thu thập tế bào từ mẫu máu của sói xám - phương pháp ít xâm lấn hơn so với dùng khối mô như trường hợp cừu Dolly. Sau đó, ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR, họ thực hiện 20 chỉnh sửa với 14 gene nói trên để chúng có cùng trình tự như sói Aenocyon dirus. Sau khi tạo ra những tế bào sói Aenocyon dirus, nhóm chuyên gia tách lấy nhân của chúng và đưa vào trứng của sói xám. Số trứng này được nuôi thành phôi thai trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu thu được 45 phôi thai và đưa vào tử cung của hai con chó nhà. Chỉ một phôi thai ở mỗi con chó mang thai hộ phát triển thuận lợi. Sau 65 ngày, sói con Romulus và Remus chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 1/10/2024. Sau đó, toàn bộ quá trình được lặp lại và sói con Khaleesi chào đời ngày 30/1/2025. Colossal Biosciences gọi đây là trường hợp hồi sinh động vật tuyệt chủng đầu tiên trên thế giới. Trước đó, vào năm 2003, các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã nhân bản một phân loài dê hoang dã tuyệt chủng, dê núi Pyrenees (Capra pyrenaica pyrenaica), nhưng con non chết chỉ vài phút sau khi sinh. "Cột mốc to lớn này là ví dụ đầu tiên trong số nhiều ví dụ sắp tới cho thấy công nghệ hồi sinh động vật tuyệt chủng của chúng tôi hiệu quả", Lamm cho biết. Colossal Bioscience cũng hy vọng rằng công nghệ giúp hồi sinh sói Aenocyon dirus có thể trực tiếp giúp những loài vật đang bị đe dọa. Thu Thảo (Theo Live Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress