Ngành công nghiệp âm nhạc chật vật đối phó AI

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 8, 2025 at 4:50 PM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 53)

    Ngành công nghiệp âm nhạc đang đấu tranh trên các nền tảng, thông qua tòa án và nhà lập pháp nhằm ngăn chặn đạo nhạc từ AI tạo sinh nhưng đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn.


    [​IMG]

    Cuộc chiến giữa ngành công nghiệp âm nhạc và AI sẽ kéo dài dai dẳng. Ảnh: iStock


    Hãng Sony Music cho biết gần đây họ đã yêu cầu xóa bỏ 75.000 sản phẩm giả bao gồm hình ảnh, giai điệu hoặc video có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với sản phẩm thật, một con số phản ánh quy mô của vấn đề, AFP đưa tin. Theo công ty an ninh thông tin Pindrop, âm nhạc tạo bởi AI có "những dấu hiệu nhận biết" và dễ phát hiện, nhưng loại âm nhạc đó dường như có ở khắp mọi nơi. "Ngay cả khi nghe có vẻ thật, các bài hát do AI tạo ra thường có chỗ kém mượt mà tinh vi khi thay đổi tần số, tiết tấu và mô hình kỹ thuật số, vốn không có ở những màn biểu diễn của con người", Pindrop, công ty chuyên về phân tích giọng nói, chia sẻ.

    Tuy nhiên, YouTube hoặc Spotify, hai nền tảng phát nhạc hàng đầu hiện nay, mất hàng phút để phát hiện một bài rap giả mạo từ 2Pac và pizza, hoặc bản hát lại một ca khúc K-pop của Ariana Grande mà nữ ca sĩ chưa bao giờ biểu diễn. "Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét vấn đề và cố gắng phát triển công cụ mới để phát hiện tốt hơn", Sam Duboff, giám đốc chính sách của Spotify, nói. YouTube cho biết họ đang tăng cường khả năng phát hiện sản phẩm nhái bằng AI và sẽ thông báo kết quả trong vài tuần tới.

    Nhưng ngoài sản phẩm giả, ngành công nghiệp âm nhạc đặc biệt lo ngại về việc sử dụng trái phép các nội dung để huấn luyện mô hình AI tạo sinh như Suno, Udio hoặc Mubert. Một số hãng đĩa lớn năm ngoái nộp đơn kiện lên tòa án liên bang ở New York, cáo buộc công ty mẹ Udio phát triển công nghệ với "những bản thu âm có bản quyền vì mục đích cuối cùng là câu kéo người nghe, người hâm mộ và nhà cấp phép". Sau hơn 9 tháng, các thủ tục pháp lý vẫn chưa bắt đầu. Điều tương tự cũng diễn ra với vụ kiện chương trình Suno ở Massachusetts.

    Ở trung tâm tranh chấp là nguyên tắc sử dụng hợp lý, cho phép sử dụng hạn chế một số tài liệu bản quyền mà không cần xin phép trước. Điều này có thể giới hạn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ. Bất kỳ phán quyết ban đầu nào đều không nhất thiết mang tính quyết định, ý kiến không thống nhất từ các tòa án khác nhau có thể đẩy vấn đề sang Tòa án tối cao. Trong khi đó, những đơn vị chủ chốt liên quan tới âm nhạc tạo bằng AI có thể tiếp tục huấn luyện mô hình của họ bằng sản phẩm bản quyền, dấy lên câu hỏi liệu cuộc chiến sẽ đi về đâu.

    Theo Joseph Fishman, giáo sư luật ở Đại học Vanderbilt, còn quá sớm để đưa ra kết luận. Dù nhiều mô hình đang huấn luyện bằng tài liệu được bảo vệ, các phiên bản mới ra đời liên tục, và chưa rõ liệu phán quyết của tòa án có tạo ra vấn đề cấp phép cho những mô hình đó hay không.

    Trong lĩnh vực lập pháp, các hãng đĩa, nghệ sĩ và nhà sản xuất thu được rất ít thành công. Quốc hội Mỹ đã giới thiệu một số đạo luật, nhưng chưa đạt kết quả cụ thể. Một vài bang như Tennessee, nơi có ngành công nghiệp nhạc đồng quê phát triển mạnh, đã áp dụng luật bảo vệ nhằm ngăn sản phẩm giả. Đối với nhà phân tích Goldman Sachs, AI nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây rắc rối cho ngành công nghiệp âm nhạc chừng nào chưa đưa vào khuôn khổ.

    An Khang (Theo AFP)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Ngành công nghiệp âm nhạc chật vật đối phó AI

Share This Page