Hiện nay, các mức phụ cấp cho y bác sĩ được áp dụng theo Quyết định 73 ban hành năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định những mức phụ cấp này đã trở nên "quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện tại". Trong 13 năm qua, lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 8 lần, hiện đạt mức 2.340.000 đồng/tháng, nhưng các khoản phụ cấp lại không có sự điều chỉnh tương ứng. Trên thực tế, nhiều bác sĩ trực và phẫu thuật viên đã phản ánh mức phụ cấp hiện tại không xứng đáng với khối lượng công việc và công sức của họ. Theo quy định hiện hành, tiền trực của bác sĩ tại bệnh viện hạng I chỉ là 115.000 đồng cho ca trực kéo dài 24 giờ, cộng thêm 15.000 đồng tiền ăn. Tại Bệnh viện Việt Đức, một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 đến 6 giờ, thậm chí có những ca phẫu thuật hơn 8 giờ, như tim hay ghép tạng. Dù vậy, bác sĩ chính chỉ được hỗ trợ 280.000 đồng cho cả ca mổ, còn các bác sĩ phụ mổ hoặc phụ gây mê hồi sức nhận mức phụ cấp 200.000 đồng. "Điều chỉnh nâng mức phụ cấp đặc thù để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu mới, đảm bảo đời sống tối thiểu cho y bác sĩ", Bộ Y tế cho biết. Với tiền trực 24/24 giờ, Bộ đề xuất điều chỉnh mức tiền từ 115.000 đồng/người/phiên trực lên 325.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Bệnh viện hạng II tăng từ 90.000 đồng lên 255.000 đồng. Các bệnh viện còn lại tăng từ 65.000 đồng lên 185.000 đồng. Trạm y tế xã cũng được điều chỉnh tăng gấp 3 từ mức tiền từ 25.000 đồng lên 70.000 đồng. Đối với trực tại khoa, khu vực đặc biệt như hồi sức cấp cứu, phẫu thuật gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh, hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, ghép tạng, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, phòng đẻ... tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II hoặc cơ sở cấp cứu ngoại viện: Mức phụ cấp trực sẽ bằng 1,5 lần mức quy định ở trên. Trực vào ngày nghỉ hàng tuần thì mức phụ cấp bằng 1,3 lần so với mức bình thường. Trực vào ngày lễ, Tết, mức phụ cấp được tính bằng 1,8 lần mức quy định. Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress