Bộ thiết bị đo chất lượng đất bằng AI của Enfarm là một trong ba giải pháp đoạt giải Startup bền vững được yêu thích. Enfarm nằm trong số ba công ty khởi nghiệp thắng giải Startup bền vững được yêu thích tại Demo Day, trong khuôn khổ sự kiện Towards Zero Waste Accelerator tại TP HCM ngày 4/4. Công ty thu hút sự chú ý với bộ thiết bị enfarmF có thể đo dinh dưỡng đất, gồm bộ phát đáp và hai cảm biến S3, S7. Trong đó, S3 làm nhiệm vụ đo nồng độ N-P-K, tình trạng dinh dưỡng đất, theo dõi sức khỏe cây trồng. Cảm biến S7 cũng dùng đo nồng độ N-P-K, nhưng thêm tính năng đo độ pH và độ ẩm đất, khuyến cáo bón đúng loại phân cho đất. Bộ thiết bị đo thành phần đất enfarmF của Enfarm. Ảnh: Enfarm Các dữ liệu được thu thập và gửi về ứng dụng trên smartphone, sau đó AI sẽ phân tích và đưa ra thông số chất lượng và dưỡng chất trong đất, cũng như lời khuyên giúp người dùng thêm bớt phân bón, nước và các yếu tố khác. Ứng dụng cũng có chức năng dự báo thời tiết, ước tính giá và lợi nhuận, sổ tay nông nghiệp điện tử, cũng như giải đáp thắc mắc của nông dân bằng AI. Theo đại diện của Enfarm, hầu hết việc bón phân và tưới tiêu hiện nay có thể gây tình trạng dư thừa. Khoảng 60% phân bón không được cây trồng hấp thụ, gây lãng phí có thể đến 120 tỷ USD mỗi năm, thoái hóa một phần ba diện tích trồng trọt và tạo ra 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. EnfarmF ra đời với mục đích "hiểu đất muốn gì", giúp tiết kiệm đến 50% chi phí phân bón, tăng 20% năng suất cây trồng tại những nơi bộ thiết bị đang được ứng dụng thực tế. Đại diện Enfarm trình bày về thiết bị enfarmF. Ảnh: Bảo Lâm Bên cạnh Enfarm, hai startup đoạt giải còn lại là Wesolife với giải pháp công nghệ điện hóa để tạo clo từ nước biển, cung cấp giải pháp xử lý và khử trùng nước an toàn, không dùng hóa chất; và Lemit Foods với giải pháp công nghệ thực phẩm, tận dụng mít non để tạo ra các sản phẩm thịt thực vật như pa-tê mít, chả lụa, chả giò. Towards Zero Waste Accelerator là chương trình giúp mở rộng cơ hội cho các giải pháp đổi mới sáng tạo đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Dự án do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ, với hai đơn vị triển khai tại Việt Nam là BambuUP và Schoolab Asia, cùng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Saigon Innovation Hub thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM để mở rộng tầm ảnh hưởng. Diễn ra trong 7 tháng, Towards Zero Waste Accelerator nhận hơn 120 đơn đăng ký từ các dự án kinh tế tuần hoàn giảm rác thải đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số này có 10 giải pháp được lựa chọn. Trước đó, chương trình cung cấp hỗ trợ chuyên sâu 1-1 giữa startup và chuyên gia, giúp hoàn thiện giải pháp và tìm kiếm nhu cầu của thị trường. "Các nhà sáng lập và giải pháp trong sự kiện đã thể hiện sự sáng tạo, bền bỉ nhằm tái định nghĩa cách mọi người sản xuất và tiêu dùng vì một tương lai bền vững cho các thế hệ sau", bà Mira Nagy, quản lý chương trình Go Circular tại Việt Nam và đại diện GIZ, cho biết. "Họ đại diện cho các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn đa dạng, từ việc giảm chất thải ô nhiễm cho đến tạo ra chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế mới. Họ cũng giải quyết nhiều loại vật liệu và lĩnh vực khác nhau, khai thác sự tương hỗ trong các ngành nhựa, dệt may, hữu cơ, nông nghiệp và điện tử". Bảo Lâm Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ