Thứ hai, 20/5/2013, 10:56 GMT+7 Khứu giác siêu nhạy của ong mật khiến chúng trở thành công cụ lý tưởng đối với hoạt động dò mìn. Ảnh: MSNBC. Khi Croatia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/7 tới, đất nước này sẽ tô điểm EU với những hồ sâu xanh ngắt trên núi, những khu rừng bạt ngàn. Nhưng Croatia cũng mang theo một di sản đáng sợ: Vô số quả mìn vẫn ẩn náu trong những khu vực có tổng tiện tích khoảng 750 km2. Chúng là tàn dư của những cuộc chiến tại khu vực Balkan trong thập niên 90. Giới chức Croatia ước tính rằng, từ khi các cuộc xung đột tại Balkan bùng nổ vào năm 1991, khoảng 2.500 đã chết vì các vụ nổ của mìn. Trong cuộc chiến 4 năm tại Croatia, các phe đã tạo ra khoảng 90.000 bãi mìn trên khắp đất nước. Phần lớn bãi mìn ra đời một cách ngẫu nhiên và những người tạo ra chúng chẳng hề để lại sơ đồ hay bản đồ về vị trí của chúng. Giờ đây các nhà khoa học đã tìm ra một loài vật có khả năng giúp con người phát hiện mìn trong lòng đất. Đó là ong mật. Nikola Kezic, một nhà nghiên cứu hành vi của ông tại Đại học Zagreb, Croatia, khẳng định rằng ong mật có khứu giác cực nhạy nên chúng có thể phát hiện mùi thuốc nổ rất nhanh. AP đưa tin Kezic và các đồng nghiệp đang huấn luyện ong mật để chúng phát hiện những bông hoa có mùi thuốc nổ TNT. Nhóm nghiên cứu cho ong ăn đường trộn thuốc nổ TNT. Sau đó họ đặt đường tại nhiều vị trí trên một khoảng trống rồi rắc các hạt thuốc nổ TNT lên một số vị trí. Họ nhận thấy những con ong chỉ tập trung tại những vị trí mà họ rắc thuốc nổ. “Kết luận cơ bản của chúng tôi là ong có thể phát hiện mùi thuốc nổ trong thức ăn và chúng tôi rất hài lòng với thử nghiệm”, Kezic nói. Nhưng huấn luyện hàng trăm con ong trong một đàn là một công việc rất khó khăn. "Bạn có thể huấn luyện một con ong nhận ra mùi thuốc nổ, song đào tạo cả đàn ong lại là một thử thách”, Kezic thừa nhận. Tất nhiên, ong chưa thể tham gia hoạt động dò mìn trên thực địa. “Trước tiên chúng tôi sẽ phải thực hiện những thử nghiệm trên các bãi mìn, với các quả mìn đã được đánh dấu”, Kezic giải thích. Các nhà nghiên cứu Mỹ từng huấn luyện ong tìm thuốc nổ, song họ lại bỏ qua TNT – loại thuốc nổ phổ biến nhất trong cuộc chiến tại Balkan – vì mùi của nó tan biến rất nhanh. Chó và chuột cũng tham gia những hoạt động tìm kiếm chất nổ, song khối lượng cơ thể của chúng có thể khiến mìn nổ. Ngay cả khi những chuyên gia dò mìn đã thực hiện công việc của họ trên một bãi mìn, họ vẫn có thể bỏ sót nhiều quả mìn. Trong hai thập niên từ khi cuộc chiến kết thúc, những quả mìn sót lại đã giết 316 người, bao gồm 36 chuyên gia rà mìn. Kezic muốn những con ong mà ông huấn luyện sẽ hoạt động trên những bãi mìn mà người ta từng rà, phá. Các camera tầm nhiệt sẽ theo dõi chuyển động của ong để các chuyên gia xác định vị trí của mìn. Minh Long Nguồn VNExpress