Phó thủ tướng nêu 5 xu hướng tác động mạnh đến khoa học công nghệ

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Apr 2, 2025 at 8:29 PM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 52)

    Hà NộiPhó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 5 xu hướng lớn đang tác động sâu rộng đến khoa học công nghệ, trong đó có dòng vốn lớn và sự phát triển AI.


    Chiều 1/4, tại cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá tình hình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên thế giới "chuyển biến nhanh chưa từng có".

    Theo ông, có 5 xu hướng đang tác động mạnh, sâu rộng trên thế giới và Việt Nam.

    Trước tiên là dòng vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng gia tăng, bao gồm vốn đầu tư công và khu vực tư nhân. AI, nhất là AI tạo sinh, cũng phát triển nhanh, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các nền kinh tế. Xu hướng thứ ba là hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng mở rộng, dựa trên nền tảng các hệ sinh thái, với sự hợp tác giữa Chính phủ, viện, trường, tập đoàn... Tiếp đến là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn nhân lực phát triển, gồm cả con người, dữ liệu, năng lực tính toán.

    Cuối cùng, Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách để thúc đẩy hợp tác công tư với tham vọng dẫn đầu và dẫn dắt một số lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như sản phẩm cụ thể, nhất là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, ôtô, AI, robot, UAV.

    Phó thủ tướng cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia từng xác định 9 ngành Việt Nam nên ưu tiên là sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, hydrogen, bán dẫn và AI.


    [​IMG]

    Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 1/4. Ảnh: Lưu Quý


    Qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Đại hội 13 xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

    Theo Phó thủ tướng, thời gian đến những mục tiêu đó còn rất ngắn. Thế giới có rất ít nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao. Vì vậy, để Việt Nam trở thành nước phát triển phải có động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

    Đại hội 13 xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cuối năm 2024 tiếp tục thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.

    "Phải nhận thức được vấn đề này để vượt qua giới hạn, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế, đạt các mục tiêu đề ra", Phó thủ tướng nói và nhắc đến sứ mệnh của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới.

    Ông thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, như trình độ phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với các nước. Nhận thức vai trò của khoa học công nghệ ở một số bộ ngành, địa phương chưa đầy đủ. Trong khi đó, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn, cản trở phát triển. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đạt đột phá chiến lược, khả năng ứng dụng thực tiễn cũng hạn chế. Nhân lực lĩnh vực này "nhiều cũng rất nhiều, nhưng thiếu vẫn thiếu". Nguồn lực đầu tư cơ sở nghiên cứu khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm, hạ tầng số chưa đầy đủ.

    Phó thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm kiện toàn bộ máy sau tinh gọn để ổn định, nhằm đảm đương được nhiệm vụ "hết sức nặng nề". Bộ cần quán triệt và triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 03 của Chính phủ, coi là kim chỉ nam để cụ thể hóa các hành động, dự án, với lộ trình, trách nhiệm, tiến độ rõ ràng.

    "Cần nâng cao nhận thức, tạo nhận thức mới trong toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và thúc đẩy", ông nói. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế theo hướng đồng bộ, xóa bỏ tư tưởng, quan niệm là rào cản phát triển, loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. Thể chế cần trở thành lợi thế cạnh tranh. Các dự luật sẽ trình Quốc hội trong năm nay cần hoàn thành.

    Bên cạnh đó, Phó thủ tướng lưu ý hoàn thiện thể chế về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, nghiên cứu hình thành sàn giao dịch dữ liệu, đảm bảo vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Cơ chế thí điểm cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của nhà nước cũng cần nghiên cứu.

    Bộ cũng cần xây dựng cơ chế phát triển nguồn nhân lực cao cho ngành công nghệ chiến lược, trong đó có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài trong và ngoài nước, nhất là nhà khoa học, trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Các nhà khoa học xuất sắc cần cơ chế tài trợ đặc biệt, ghi nhận, tôn vinh. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần được thúc đẩy.

    Ngành khoa học công nghệ đặt mục tiêu thúc đẩy 5% tăng trưởng kinh tế

    Tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một tháng đi vào hoạt động, Bộ đã cơ bản ổn định tổ chức, bắt đầu cách làm việc mới. Tinh thần của Bộ là sẵn sàng nhận nhiệm vụ với thách thức, mục tiêu cao và hướng đến kết quả cuối cùng. Từ đây, Bộ sẽ tìm ra cách tiếp cận mới đột phá.

    Theo ông, Bộ Khoa học và Công nghệ là hạt nhân, nòng cốt thực hiện Nghị quyết 57. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là ba trụ cột chính tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Bộ đã nhận nhiệm vụ trước Chính phủ, nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng 10%, ngành khoa học công nghệ chịu trách nhiệm ít nhất 5%, tức chiếm trên 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Ông nhấn mạnh "những việc gì đã nói, đã hứa thì sẽ làm và làm xong".


    [​IMG]

    Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, ngày 1/4. Ảnh: Lưu Quý


    Với tinh thần đó, ông đề nghị lãnh đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ trao đổi thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề đang gặp phải để tìm cách giải quyết, đồng thời đưa ra lời cam kết hoàn thành nhiệm vụ trước Phó thủ tướng.

    Nhiệm vụ của ngành được chia thành các nhóm về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, với hơn 20 nhiệm vụ lớn được phân công cho các đơn vị lớn của Bộ chủ trì triển khai. Đây đều là các nhiệm vụ được đánh giá sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước theo tinh thần của Nghị quyết 57, như Chương trình chuyển đổi AI quốc gia; Hạ tầng tính toán AI dùng chung; Hạ tầng số với 5G và Internet vệ tinh; Thúc đẩy tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Các chính sách về Công nghệ chiến lược; Sở hữu trí tuệ; Thương mại hóa nghiên cứu khoa học.

    Trong nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi số, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng chương trình chuyển đổi AI trong mọi lĩnh vực và toàn xã hội.

    "Mỗi người dân sẽ có một trợ lý ảo", ông nói, cho biết sẽ ban hành chương trình trong tháng 5 tới và dự kiến đến tháng 11 có trợ lý ảo dành cho người dân. Hay trong lĩnh vực kinh tế số, một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Lãnh đạo Vụ Kinh tế và Xã hội số cam kết hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 4.

    Để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ cũng được Phó thủ tướng và Bộ trưởng quan tâm. Cục Sở hữu trí tuệ được yêu cầu hoàn thành giải quyết các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tồn đọng trước tháng 10. Cục cũng nghiên cứu chuyển từ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sang tài sản hóa, thương mại hóa, thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.

    Theo Bộ trưởng, tất cả lĩnh vực của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được đo đếm để đánh giá hiệu quả, đồng thời chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra. Bộ sẽ sớm hoàn thành xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thời hạn trình Bộ trưởng là ngày 7/4, sau đó lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng vào 21/4.

    Vũ Tuân - Lưu Quý


    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Phó thủ tướng nêu 5 xu hướng tác động mạnh đến khoa học công nghệ

Share This Page