Nghiến răng là một tình trạng thường gặp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống, đồng thời gây khó chịu cho người xung quanh. Bệnh có thể xảy ra khi ngủ hoặc khi tỉnh, với đặc điểm là tình trạng cắn chặt hoặc nghiến hai hàm răng, gây tổn hại đến răng, cơ hàm, khớp thái dương hàm và cả tâm lý người bệnh. Theo ThS. BS. Bùi Thị Thu Hiền, Khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tình trạng này có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, đang ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân của bệnh nghiến răng xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sai lệch khớp cắn (do mọc răng hoặc làm chụp răng không chính xác), tác động tâm lý như căng thẳng, lo âu kéo dài, cũng như các vấn đề liên quan rối loạn thần kinh và giấc ngủ. Các yếu tố này tác động kết hợp, tạo nên thói quen không mong muốn. Mặc dù nghiến răng không phải là bệnh lý cần can thiệp khẩn cấp, nhưng lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Sự mài mòn liên tục làm răng dễ nứt, gãy, tăng độ nhạy và ê buốt. Những phục hình răng như chụp răng hoặc mối hàn có thể bị hư hại, trong khi xung quanh vùng răng cấy ghép, xương có nguy cơ bị tiêu hủy. Tình trạng này còn khiến khớp thái dương hàm rối loạn, gây đau nhức khi ăn nhai, thậm chí làm mất khả năng há miệng bình thường. Người mắc bệnh thường cảm thấy đau cơ vùng hàm, nhức đầu, ù tai hoặc chóng mặt, kéo theo những biểu hiện tâm lý tiêu cực như lo lắng, căng thẳng và mất ngủ. Tiếng nghiến răng khi ngủ còn làm phiền người xung quanh, gây khó chịu. Việc chẩn đoán nghiến răng là bước quan trọng trước khi tiến hành bất kỳ can thiệp nha khoa nào. Các chuyên gia sẽ sử dụng bảng hỏi, kiểm tra trực tiếp, kết hợp với các phương pháp chuyên biệt như đeo hàm Bruxchecker hoặc ghi điện cơ để xác định chính xác mức độ bệnh. Từ đó, liệu pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa phù hợp với từng người. Nghiến răng do yếu tố tâm lý và bệnh lý thần kinh cần áp dụng các phương pháp giúp giảm căng thẳng như thay đổi môi trường (nghe nhạc, tắm nước ấm trước khi đi ngủ), thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, điều trị các rối loạn về giấc ngủ, massage cơ mặt, tránh sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc trong điều trị nghiến răng nhằm mục đích giảm sự co cơ nhai quá mức do nghiến răng (thuốc giãn cơ, giảm đau), kiểm soát stress hoặc các vấn đề tâm lý (thuốc chống trầm cảm, giảm lo lắng). Trong điều trị nha khoa, một số giải pháp phổ biến được áp dụng để bảo vệ và phục hồi răng khỏi những tổn hại do nghiến răng gây ra. Bác sĩ thường thiết kế máng chống nghiến nhằm bảo vệ bề mặt răng, đồng thời giảm căng cơ nhai. Các kỹ thuật mài chỉnh khớp cắn được thực hiện để điều chỉnh lực nhai không đồng đều, giảm áp lực lên cơ hàm và răng. Trường hợp tổn thương răng nặng, phục hồi hình thể và tái lập khớp cắn sẽ được tiến hành để cải thiện chức năng ăn nhai và giảm triệu chứng ê buốt. Nghiến răng tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng là một tình trạng dai dẳng, gây nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và tâm lý người bệnh. Việc nhận thức, chẩn đoán sớm và tuân thủ điều trị là điều cần thiết để hạn chế những hậu quả không mong muốn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, cải thiện bệnh lý này. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress