Giun rồng, một bệnh lý hiếm gặp trên toàn cầu, vốn chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số nước châu Phi, nhưng Việt Nam ghi nhận 24 trường hợp trong vòng 5 năm qua. Hôm 1/4, PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết trong hai năm gần đây, thế giới chỉ ghi nhận trung bình 14 ca bệnh mỗi năm, tập trung tại các nước châu Phi. Tuy nhiên, từ năm 2020 tới cuối 2024, Việt Nam đã xác nhận 24 trường hợp, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái (11), Phú Thọ (8), Thanh Hóa (2), Hòa Bình (1), và Lào Cai (2). Đa phần bệnh nhân là nam giới, có thói quen tiêu thụ thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín. "Đây là con số khá lớn với một bệnh ít gặp trên thế giới, cần có nghiên cứu dịch tễ tại Việt Nam để tìm nguyên nhân và có hoạt động giám sát, truyền thông sức khỏe", ông Dũng cho hay. Như người đàn ông hơn 40 tuổi, ở Yên Bái, bị ngứa dữ dội ở vùng cổ, da nổi sẩn ngoằn ngoèo, phát hiện một cục u trên xương đòn phải, với đầu giun trắng xuất hiện. Các bác sĩ xử trí, gắp hết giun ra và xác định bệnh nhân nhiễm giun rồng. Người đàn ông cho biết thường xuyên đi rừng, ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái, không tẩy giun, sán. Một bệnh nhân khác 20 tuổi, ngứa toàn thân kèm sốt cao, chóng mặt và buồn nôn. Êkíp phát hiện ký sinh trùng là một con giun dài 30 cm. Hình ảnh giun rồng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Giun rồng lây lan qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào cơ thể từ nước uống hoặc thực phẩm sống chứa ấu trùng – thường là các loài thủy sinh như cá, ếch, nhái và tôm. Người mắc bệnh có thể không biểu hiện trong năm đầu tiên, nhưng khi giun cái di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, bệnh nhân sẽ sốt nhẹ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy và sưng đỏ tại vị trí nhiễm. Khi giun cái thoát ra ngoài, vết tổn thương thường sưng tấy, tiết dịch vàng và để lộ đầu giun trắng. Điều trị chủ yếu là gắp toàn bộ giun ra ngoài, cần thực hiện chậm rãi để tránh đứt giun. Nhiều người tự ý xử trí sai cách như kéo giun ra giữa chừng, dẫn đến phản ứng viêm rất mạnh hoặc biến chứng nguy hiểm bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm khớp, áp xe tại vùng tổn thương, hay thậm chí di chứng thần kinh vĩnh viễn nếu giun xâm nhập vào khớp hoặc cột sống. Hiện không có xét nghiệm sớm, thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh giun rồng. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là đảm bảo vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, đặc biệt chú ý nấu kỹ các loại thực phẩm thủy sinh. Ngoài ra, người mắc bệnh cần tránh tắm, rửa ở các hồ nước tự nhiên hoặc nguồn nước sinh hoạt để ngăn phát tán ấu trùng ra môi trường. Việc băng bó và làm sạch vết thương cho đến khi lấy hết giun ra cũng rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress