26 tuổi với tài sản trên 200 triệu USD, David Karp, sáng lập mạng xã hội Tumblr sắp được Yahoo mua lại với giá 1,1 tỷ USD, vẫn sống giản dị, đi Vespa, thích dành thời gian với bạn gái hơn là có những buổi tối "thác loạn" và rất ghét quảng cáo. Ra đời từ năm 2007 với lượng truy cập lên tới 12 tỷ mỗi tháng, Tumblr chỉ chấp nhận treo quảng cáo bắt đầu từ tháng 5/2012, giúp mạng xã hội này có được doanh thu (dù còn rất khiêm tốn so với quy mô của nó) là 13 triệu USD năm 2012. Nguyên nhân là do Karp, sinh năm 1986, không thích dịch vụ được đánh giá là rất đẹp mắt của anh bị phân tán bởi những quảng cáo xấu xí, những "đường siêu liên kết màu xanh" rối mắt. Tuy nhiên, mong muốn lãng mạn ấy buộc phải chấm dứt bởi không dịch vụ online nào có thể tồn tại mãi nếu không làm ra tiền. Việc Yahoo bỏ tới 1,1 tỷ USD tiền mặt mua lại Tumblr (thông tin chưa chính thức) có thể làm thay đổi quan niệm của Karp, hoặc Yahoo sẽ giúp anh sáng tạo lại hệ thống quảng cáo trên Internet và tránh đi theo con đường của Google, Facebook, Twitter. David Karp, triệu phú khiêm tốn và giản dị ở tuổi đôi mươi. Triết lý tối giản Nếu Mark Zuckerberg của Facebook sở hữu dinh cơ 6 triệu USD thì Karp cũng có một cơ ngơi xứng tầm với anh. Đó là căn hộ rộng 160 mét vuông trị giá 1,6 triệu USD. Nhưng trong đó lại gần như không có gì đáng chú ý. Một phòng ngủ đơn sơ với tủ đồ được lấp đầy một nửa. Một phòng khách chỉ có bộ ghế sofa và TV. Nơi ấn tượng nhất chính là gian bếp tầm cỡ khách sạn dành cho bạn gái Rachel Eakley vì cô là một đầu bếp. "Tôi không có bất cứ cuốn sách nào. Tôi cũng chẳng sắm nhiều quần áo. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy mọi người chất đầy ngôi nhà của họ với đủ thứ đồ khác nhau", Karp phân bua. "Karp luôn có xu hướng tìm hiểu những cách giúp cậu ấy có thể loại bỏ đi thứ gì đó", Marco Arment, nhân viên đầu tiên tại Tumblr, giải thích. Ngay cả cơ thể gày gò, mảnh dẻ của Karp cũng thể hiện điều đó. "Cân nặng của tôi luôn dưới chuẩn 18 kg", CEO thuộc thế hệ 8x cho hay. Với anh, sự tối giản không chỉ là lựa chọn về mặt thẩm mỹ. Nó là chìa khóa của sự tự do. Khi đi du lịch hay công tác, anh không cần lên kế hoạch trước vài ngày, kể cả hành trình dài tới Nhật thì hành lý của anh cũng rất nhỏ gọn, năng động. Karp không chấp nhận sự rườm rà, thừa thãi làm ảnh hưởng đến Tumblr. Nếu như Facebook là nơi mọi người chia sẻ, cập nhật về cuộc sống hàng ngày, còn Twitter là nơi mọi người theo dõi các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới thì Tumblr là cách để họ thể hiện bản thân trước công chúng. Giống hai mạng xã hội trên, Tumblr cập nhật các post theo thời gian, nhưng trực quan, đẹp và giàu cảm xúc hơn. Theo đuổi đam mê hơn kiếm tiền 184 triệu khách truy cập, 120.000 bài viết mới mỗi ngày, 12 tỷ lượt truy cập vào tháng 4/2013 là con số đáng nể với một mạng xã hội chỉ đạt doanh thu khiêm tốn 13 triệu USD năm ngoái. Nhưng để có được một năm 2013 thành công, Tumblr cần chứng minh rằng nó sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng (chứ không phải đã đạt tới ngưỡng không thể mở rộng), sẽ thực sự kiếm được tiền và David Karp, tài năng trẻ với triết lý tối giản, đúng là người sẽ đưa Tumblr tiến xa trên con đường "trải đầy xác những công ty bị khai tử vì sai chiến lược, sai thời điểm. Họ sẽ phải rất cẩn thận", theo lời chuyên gia phân tích Brian Blau của Gartner. Hành trình phát triển Tumblr của Karp bắt đầu khi anh mới chỉ là cậu thiếu niên tuổi teen thông minh và yêu công nghệ. Mẹ của Karp, một giáo viên ở Manhattan, và bố anh, một nhạc sĩ, biết rằng con trai mình cần những con đường rộng mở để theo đuổi niềm đam mê. Vì thế, mẹ anh đã đến gặp Fred Seibert, vốn là phụ huynh học trò của bà. Từng nằm trong ban lãnh đạo của MTV Networks, Seibert khi đó đã lập công ty riêng về sản xuất hoạt hình. "Mẹ David hỏi trong công ty tôi có máy tính không vì cậu con trai 14 tuổi của bà rất mê máy tính và liệu cậu bé có thể đến chơi không", Seibert kể lại. "Tôi rất run", Karp nói về chuyến thăm đầu tiên. Nhưng sự thích thú với công việc của các kỹ sư đã lấn át nỗi lo lắng và các cuộc ghé thăm dần trở nên thường xuyên hơn. "Một hôm, David nói sẽ đến chơi hàng ngày vì cậu ấy đã nghỉ học ở trường", Seibert cho hay. Karp quyết định không tới trường mà chỉ học ở nhà, anh theo một lớp tiếng Nhật và tìm một gia sư toán cũng như bắt đầu viết phần mềm với dự định xin vào Viện công nghệ MIT với mục đích trở thành kỹ sư máy tính. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Vào thời điểm bạn bè đang viết đơn xin vào đại học, Karp đảm nhận vai trò trưởng nhóm sản phẩm tại website dành cho cha mẹ UrbanBaby. Sau khi CNet mua lại site năm 2006, Karp sử dụng số tiền được chia để thành lập công ty Davidville. Dù đang xây dựng một nền tảng blog cho công ty của Seibert, Karp tỏ ra không hài lòng với nó. Seibert liền gọi điện cho nhà đầu tư Bijan Sabet của Spark Capital. "Seibert nói tôi cần dành thời gian cho David, cậu ấy là một tài năng khó tin", Sabet kể. Họ gặp nhau và Karp cho ông xem ứng dụng web giúp mọi người tạo và chia sẻ nội dung số như văn bản, ảnh, video... Đó là Tumblr. "Tôi rất ấn tượng. Tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì được thiết kế đẹp đến thế", Sabet khẳng định. Tuy nhiên, thuyết phục Karp coi đây là một dự án kinh doanh lại vô cùng khó khăn. "Cậu ấy không muốn được gọi là một doanh nhân và càng không muốn Tumblr trở thành thứ gì đó khác ngoài một công cụ giúp cuộc sống của cậu ấy tốt đẹp hơn. David có niềm đam mê lớn, nhưng đó không phải là đam mê kinh doanh", Sabet nói. Văn phòng của Tumblr tại Manhattan. Khi Sabet đề nghị Karp thành lập công ty dựa trên Tumblr và cho xem bảng thống kê các danh mục đầu tư, Karp cho rằng nó đòi hỏi "quá nhiều tiền với quá nhiều áp lực". Nhưng rồi anh cũng đồng ý. Tumblr được công bố vào tháng 2/2007 và chỉ sau 2 tuần đã thu hút 75.000 thành viên. Công ty Davidville sau đó được đổi tên thành Tumblr. Về kích cỡ công ty, khi đó Craigslist có 26 nhân viên còn MySpace và Facebook khoảng 1.000 người. Karp tuyên bố: "Tôi có thể làm việc chỉ với 4 người trong cả cuộc đời mình". Tuy vậy, khi số người dùng của Tumblr lên 6-7 con số, website bắt đầu gặp vấn đề về độ ổn định. Việc triển khai bản vá và cải tiến liên tục rơi vào tình trạng thắt cổ chai. "Chúng tôi bị quá tải. Tôi đã không nhìn thấy trước nhu cầu phải có một đội kỹ sư lớn hơn và điều này khiến chúng tôi phải trải qua vài tháng nghiêm trọng", Karp thừa nhận. Sabet cho hay ông cam kết với Karp rằng anh sẽ là CEO của Tumblr cho đến khi nào anh không muốn nữa vì "Tumblr sẽ không còn là Tumblr nếu thiếu David". Tuy nhiên, ông cũng hiểu đã đến lúc Tumblr phải trở thành cỗ máy kiếm tiền - điều rõ ràng không phải thế mạnh của Karp. Dù đã qua giai đoạn tuổi teen khi khởi nghiệp, Karp vẫn tỏ ra nhút nhát và sống nội tâm. Chính vì thế, việc sáp nhập vào Yahoo bị người dùng không ủng hộ (Yahoo vốn không thành công về mạng xã hội, và họ lo Tumblr sắp tới sẽ tràn ngập quảng cáo), nhưng lại được giới đầu tư đánh giá cao. Yahoo sẽ nắm trong tay một lượng người dùng trẻ và giải quyết được vấn đề lớn của Yahoo là tiếp cận thị trường di động, trong khi Tumblr nhận được khoản tiền lớn, nhờ đó giảm bớt sức ép kinh doanh để có thời gian xác định hướng cụ thể trong tương lai (với việc nắm giữ 25% cổ phần Tumblr, Karp sẽ bỏ túi khoảng 250 triệu USD). Xem tiếp: Những điều thú vị về David Carp Châu An tổng hợp Nguồn: VNExpress