Sắp có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 28, 2025 at 3:45 AM.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 57)

    Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, làm chủ công nghệ, với yêu cầu thực hiện nhanh, tạo ra sự đóng góp cụ thể.


    Tại buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ với tập đoàn CMC ngày 27/3, ông Đoàn Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ, nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ vào sự phát triển của Việt Nam.

    Trước đây, khoa học và công nghệ chưa đo đếm được các tác động cụ thể đến kinh tế, xã hội. Tuy nhiên với các nghị quyết, văn bản chỉ đạo thời gian qua, ông Chiến khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ lấy doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy nhiệm vụ này. "Doanh nghiệp chỉ cần đặt vấn đề về việc nghiên cứu để phục vụ phát triển. Với các nghiên cứu cơ bản, Bộ sẽ hỗ trợ cho các viện trường nghiên cứu cùng doanh nghiệp", ông nói.

    "Đã nghiên cứu là phải đóng góp ra con số chứ không chỉ tạo ra 'tiềm năng'", ông nhấn mạnh.


    [​IMG]

    Ông Đoàn Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong buổi làm việc với tập đoàn CMC, sáng 27/3. Ảnh: Lưu Quý


    Tại Diễn đàn Make in Vietnam hồi tháng 1, CMC là một trong 7 doanh nghiệp nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ. Hai nhiệm vụ doanh nghiệp này nhận gồm xây dựng nền tảng điện toán đám mây với trung tâm dữ liệu quy mô lớn do người Việt làm chủ; xây dựng nền tảng tri thức Việt với các trợ lý ảo hỗ trợ xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, trợ lý ảo cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ người dân.

    Trong buổi làm việc hôm nay, đại diện CMC cho biết đang thực hiện theo lộ trình và bắt đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Ví dụ, nền tảng trợ lý ảo đã được sử dụng thí điểm ở một số cơ quan để phát hiện sự chồng chéo trong văn bản pháp luật.

    "Phiên bản đầu tiên đáp ứng được một phần việc cho các cán bộ pháp lý trong việc xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật", ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ CMC, phụ trách dự án cho biết. Ông Tuấn cũng nhìn nhận đây là lĩnh vực còn nhiều cơ hội và thách thức, khi các nền tảng chatbot nước ngoài khó đáp ứng yêu cầu, trong khi luật là lĩnh vực cần độ chính xác gần như tuyệt đối.

    Với mảng điện toán đám mây, tập đoàn chỉ ra thách thức: "Muốn đạt chất lượng tương đương quốc tế cần mức độ đầu tư như quốc tế, đồng thời đảm bảo các yếu tố về bảo mật, đám mây có chủ quyền".

    Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, cho biết với hạ tầng cho AI và cloud, tập đoàn đã đầu tư khoảng 300 triệu USD cho phần cứng và trong 5 năm tới dự kiến đầu tư thêm 500-700 triệu USD cho cả phần cứng và phần mềm hệ thống, vì vậy quan tâm đến chính sách hỗ trợ về thuế và vay vốn.


    [​IMG]

    Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng 27/3. Ảnh: Lưu Quý


    Sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số

    Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang hoàn thiện dự thảo về Công nghiệp, công nghệ chiến lược, từ đó có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Một số nhóm giải pháp được đưa ra như ưu đãi thuế, hỗ trợ tăng chi cho nghiên cứu và phát triển.

    "Danh mục công nghệ chiến lược cuối tháng 3 sẽ được ban hành, trong khi các cơ chế hỗ trợ sẽ được báo cáo trong tháng 5, không thể chậm hơn nữa", đại diện Bộ nói.

    Ngoài ra, Bộ cũng cho biết dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ đang được hoàn thiện và dự kiến thông qua vào tháng 5 cũng sẽ khắc phục các điểm nghẽn với khoa học và công nghệ hiện nay. Một số quỹ như quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đổi mới sáng tạo sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhằm đạt mục tiêu đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.


    [​IMG]

    Không gian trung tâm dữ liệu của CMC tại Tân Thuận, TP HCM. Ảnh: CMC Telecom


    Đại diện Bộ nhắc lại yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đề nghị doanh nghiệp nhận nhiệm vụ cần triển khai "nhanh hơn tiến độ dự kiến", đảm bảo các mục tiêu cam kết, đồng thời nội dung triển khai phải đo đếm được và báo cáo kết quả hàng tháng trên phần mềm của Bộ, đồng thời thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu, chịu trách nhiệm với các kết quả.

    "Làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy Việt Nam mới có thể phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hồi tháng 1.

    Theo Bộ trưởng, thay vì tập trung nhiều vào ứng dụng, gia công, các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, tức các công đoạn giá trị cao hơn. Nghị quyết 57 đặt mục tiêu Việt Nam tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, đồng thời định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số và làm chủ các công nghệ chiến lược.

    "Đây là một mũi tên trúng hai đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Lưu Quý


    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Sắp có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ

Share This Page