Chứng rối loạn ăn uống

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Mar 16, 2025.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 38)

    [​IMG]

    Người mắc chứng rối loạn ăn uống cảm thấy ám ảnh bởi lượng thức ăn, calo nạp vào cơ thể, từ đó dẫn đến hành vi tiêu cực.


    Phân loại

    Chán ăn: Rối loạn này thường gặp ở người ám ảnh cân nặng, thường kiểm soát lượng calo nạp vào một cách gắt gao. Ho cũng có xu hướng sợ tăng cân và có quan điểm không thực tế về kích thước cũng như hình dáng cơ thể.

    Cuồng ăn: Biểu hiện bằng việc ăn quá nhiều, nhanh chóng, thường xuyên sau đó nôn mửa để tránh tăng cân. Điều này có thể bao gồm cưỡng ép bản thân nôn mửa, tập thể dục quá mức và lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu.

    Ăn uống vô độ: Rối loạn này với đặc trưng là ăn uống không kiểm soát, xảy ra thường xuyên, trong một khoảng thời gian ngắn.

    Triệu chứng

    • Luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ về thức ăn, cân nặng, lượng chất béo hoặc calo nạp vào.
    • Tránh những món ăn từng yêu thích.
    • Thích ăn một mình thay vì ăn cùng người khác để không ai có thể đánh giá được lượng thức ăn ít hay nhiều.
    • Tập thể dục quá mức, ví dụ lên kế hoạch cho cả ngày xoay quanh việc tập thể dục, đặt ra các mục tiêu không thực tế hoặc bỏ qua các dấu hiệu chấn thương, mệt mỏi.
    • Càng ngày càng tìm ra nhiều khuyết điểm ở cơ thể mình hoặc thấy cơ thể không giống như những gì người khác nói.
    • Quan tâm nhiều hơn đến cơ thể của người khác.
    • Thường xuyên sử dụng thuốc ức chế sự thèm ăn, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu.

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

    Rối loạn ăn uống phức tạp, có thể do sự tương tác của các yếu tố như di truyền, sinh học, hành vi, tâm lý và xã hội. Ví dụ, một người có nguy cơ cao hơn nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng rối loạn ăn uống. Người từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc trải qua chấn thương như lạm dụng tình dục cũng có thể gặp tình trạng này.

    Chẩn đoán

    Bác sĩ thường chẩn đoán rối loạn ăn uống dựa trên các triệu chứng và thói quen ăn của người bệnh. Khám sức khỏe, đánh giá tâm lý hay thực hiện các xét nghiệm khác cũng hỗ trợ kiểm tra các tình trạng tiềm ẩn gây ra.

    Điều trị

    Điều trị rối loạn ăn uống thường liên quan đến phương pháp tiếp cận theo nhóm bao gồm các bác sĩ chăm sóc chính, bác sĩ sức khỏe tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng. Các liệu pháp cụ thể phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn.

    Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp tâm lý giúp người mắc chứng này học cách từ bỏ những suy nghĩ hoặc thói quen có hại bằng những suy nghĩ hoặc thói quen lành mạnh.

    Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Đây là hình thức liệu pháp tâm lý phổ biến liên quan đến việc khuyến khích bệnh nhân nhận ra những thói quen không lành mạnh. Từ đó, họ phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và đối phó hiệu quả hơn.

    Tư vấn dinh dưỡng: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp với nhu cầu để người bệnh không tự ép bản thân thực hiện những thói quen tiêu cực.

    Thuốc: Bác sĩ kê thuốc kiểm soát lo lắng, suy nghĩ tiêu cực cho người bệnh. Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể phù hợp với người mắc chứng rối loạn ăn uống.

    Liệu pháp thay thế và bổ sung: Một số loại thuốc thay thế có thể giúp người mắc chứng rối loạn ăn uống thư giãn, đồng thời giảm căng thẳng. Yoga, massage, thiền và châm cứu là những liệu pháp phổ biến.

    Phòng ngừa

    Một số cách có thể giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống như sau:

    • Tìm hiểu về các dấu hiệu, triệu chứng và rủi ro.
    • Tránh chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và hành vi giảm cân không lành mạnh.
    • Tránh nói xấu bản thân và học cách trân trọng cơ thể.
    • Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu suy nghĩ, thói quen ăn uống trở nên có vấn đề.

    Biến chứng

    Dù nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống có vẻ ngoài rất khỏe mạnh, xuất sắc trong công việc nhưng có thể bên trong họ đang đối mặt với cơn khủng hoảng. Một số người cuối cùng cũng hồi phục hoàn toàn nhưng số khác phải trải qua các giai đoạn hồi phục và tái phát liên tục.

    Rối loạn ăn uống có thể gây tử vong do các biến chứng như nhịp tim không đều hoặc rất thấp (loạn nhịp tim), ngừng tim đột ngột, bệnh gan nặng hoặc tự tử.

    Một số người có khả năng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm:

    • Mất xương không hồi phục.
    • Mất và yếu cơ, bao gồm cả cơ tim.
    • Thiếu máu.
    • Mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận.
    • Da khô, rụng tóc.
    • Tiêu hóa chậm (liệt dạ dày).
    • Ngất xỉu, mệt mỏi, suy nhược toàn thân.
    • Kinh nguyệt không đều hoặc mất ham muốn tình dục.
    • Trầm cảm.

    Bảo Bảo (Theo Everyday Health)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Chứng rối loạn ăn uống

Share This Page