Tuyệt kỹ thuyết phục người khác nghe theo mình

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, May 19, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 395)

    Muốn thuyết phục ai đó, điều quan trọng là không được “chọc tổ ong”, tức không chỉ trích, lên án, phê phán ý tưởng, ý kiến của người khác, theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý Đại học sư phạm TP HCM.


    Thạc sĩ Hiếu cho rằng, khi bị công kích, con người dễ có tâm lý “xù lông” lên để phản kháng, bất kể đúng sai. Mỗi người có tính cách, tình cảm, đặc điểm tâm sinh lý khác nhau nên trong thuyết phục phải tùy cơ ứng biến, không sử dụng một công thức, một phương pháp chung cho tất cả. Ngoài ra, vì suy nghĩ - cảm xúc quyết định đến hành động nên muốn thuyết phục thành công thì phải biết cách tác động lên suy nghĩ, cảm xúc của đối tượng.

    Biết cách thuyết phục người khác, bạn không chỉ thuận lợi trong công việc, đạt được các mục tiêu mà còn có thể hóa giải các vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Chuyên gia đào tạo nhân lực Ngô Thanh Thủy - hiện là giám đốc khối các định chế tài chính Việt Nam, Ngân hàng ANZ, nhận xét: “Trong tất cả các kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết phục rất quan trọng”. Bạn đầy năng lực nhưng nếu mọi người không lắng nghe bạn nghĩa là bạn sẽ nhanh chóng bị cô lập, trở thành kẻ bại trận, bị đào thải thậm chí phải tự “đào ngũ” bởi không chịu nổi áp lực.

    Theo thạc sĩ Hiếu, có nhiều cách để thuyết phục người khác nhưng cơ bản gồm 2 phương pháp chính:

    Đốt lửa:

    Bạn phải biết khơi gợi, nhóm lên động lực, nhu cầu hành động để người khác tự nguyện nghe theo bạn.

    Ông Hiếu kể câu chuyện một đứa trẻ được bố yêu cầu phải sơn xong hàng rào trong buổi sáng. Cậu bé không thích công việc này và định sẽ nhờ người khác hỗ trợ nhưng không ai chịu giúp cậu cả. Cậu suy nghĩ và quyết định thay đổi chiến thuật. Thấy một người bạn khác từ xa đi lại, đang sơn rào trong trạng thái uể oải, cậu bé lập tức đẩy nhanh tốc độ, vẻ mặt say sưa, hào hứng. Người bạn kia ngạc nhiên hỏi. Cậu bé trả lời "sơn rào thích lắm, tuyệt lắm". Thế là bạn tò mò, muốn trải nghiệm thử và tình nguyện sơn rào cho cậu. Cậu bé áp dụng chiêu này với nhiều bạn khác và ai cũng tự nguyện làm giúp.

    Tò mò, muốn trải nghiệm thử là một trong những đặc tính thuộc về nhu cầu phát triển bản thân, rất thường thấy nơi mỗi người. Ông Hiếu khẳng định, khi thuyết phục người khác dựa trên nhu cầu này, khả năng thành công thường cao.

    Ngoài ra, mỗi người còn có nhu cầu tự trọng nên trong thuyết phục, cần dựa trên cơ sở nhìn thấu những đóng góp của người khác, khen ngợi chân thành, ghi nhận, tôn vinh… Tác động lên cảm xúc yêu thương của người khác cũng là một cách thuyết phục hiệu quả. Người khác có thể không thích điều ấy nhưng vì thương yêu, nể phục, quý trọng bạn… họ sẵn sàng nghe theo.

    Ai cũng muốn được sống trong cảm giác an toàn. Vì thế, nếu bỗng nhiên có ai đó la lên và bỏ chạy, ông Hiếu khẳng định, đa số người xung quanh cũng sẽ nháo nhào chạy theo. Mọi người còn có tâm lý hành động theo số đông để tránh cảm giác bị cô lập, ghẻ lạnh.

    Thuyết phục qua thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng là một cách. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lưu ý, nếu họ không thích vật chất mà bạn dùng vật chất để lôi kéo thì không thành công. Rõ ràng, để thuyết phục thành công, phải căn cứ trên nhu cầu cụ thể của đối phương.

    Truyền lửa:

    Đây là nghệ thuật thuyết phục bằng sự say mê của chính bạn. Bởi theo nguyên tắc lay lan tình cảm, khi bạn trình bày công việc, dự án với sự nhiệt huyết cao, người khác cũng dễ hào hứng theo bạn.

    Ngoài ra, mỗi người còn có thể thuyết phục người khác qua cơ chế ám thị, tức mặc nhiên áp đặt. Theo ông Hiếu, hiệu quả của phương pháp này còn tùy vào uy tín, sức hấp dẫn của người thuyết phục và niềm tin, thể trạng của người bị thuyết phục. Trong tâm lý học, những người đang mệt mỏi dễ “đầu hàng” và người ta dễ đồng ý khi đứng trước những người có sức quyến rũ.

    Kỹ năng thuyết phục còn có thể dựa vào các cụm từ vuốt đuôi. Chuyên gia Hiếu cho rằng, khi muốn ai đó đồng ý, bạn đừng dùng từ “không” ở cuối câu. Thay vào đó, nên là “chứ”.

    Bạn cũng có thể dùng lý lẽ để thuyết phục. Nguyên tắc của phương pháp này là nên thừa nhận lý lẽ của người khác trước và dựa trên lý lẽ của người khác để đưa ra những lập luận có lý. Ví dụ, ông bố cho rằng con nên học sư phạm vì ngành sư phạm nhàn hạ, hợp với con gái. Người con có thể thuyết phục lại bằng cách chỉ ra sư phạm tuy hợp với con gái nhưng tính con nóng nảy, không kiên nhẫn, không có kỹ năng truyền đạt thì khó dạy được học sinh.

    Mỗi người cũng có thể quan sát các tín hiệu phi ngôn ngữ để thuyết phục người khác. Ông Hiếu cho rằng, nụ cười tươi, cái nhìn sâu vào mắt người khác, những tiếp xúc, đụng chạm như bắt tay, vỗ vai, chạm nhẹ bàn tay dễ khiến người khác mềm lòng và thành thật hơn. Ngược lại, nếu ai đó khoanh tay, gõ gõ, xoay bút hoặc làm một động tác thừa nào đó, nghĩa là câu chuyện của bạn đang tẻ nhạt, chưa đủ thuyết phục họ.

    Trên hết, ông Hiếu nhấn mạnh, bạn cần thuyết phục bằng sự chân thành. Không có sự chân thành, mọi kỹ thuật, phương pháp đều vô nghĩa.

    Thủy Định

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tuyệt kỹ thuyết phục người khác nghe theo mình

Share This Page