Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Madras (Ấn Độ) vừa trình làng thiết bị lọc nước mới sử dụng hỗn hợp các phân tử nano đặc biệt để khử vi khuẩn, virus và các chất gây ô nhiễm khác, hứa hẹn cung cấp nước sạch cho người dân các vùng nông thôn với chi phí chưa tới 3 USD/năm/hộ gia đình. Từ trái sang: 4 bình chứa các vật liệu nano phức hợp, gói vật liệu bổ sung, bộ lọc nước và nguyên mẫu bình lọc nước 10 lít. (Ảnh: LiveScience) Để phát triển hệ thống này, nhóm nghiên cứu đầu tiên tìm cách loại bỏ những tạp chất trong nước lấy từ các nguồn tự nhiên như giếng, ao, hồ, sông, suối rồi tiến tới các phương pháp khử vi khuẩn, virus, các hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu. Từ đó, họ thiết kế ra một đầu lọc chứa hỗn hợp các hạt nano, gọi là vật liệu nano phức hợp. Các hạt nano này khi trải qua quá trình ôxy hóa sẽ sản sinh các ion bạc - từ lâu được biết là có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Nhờ đó, dòng nước chảy qua đầu lọc sẽ chứa cả ion bạc nên tiêu diệt vi khuẩn, tạp chất trong nước hiệu quả. Các chuyên gia cho biết quá trình lọc nước sạch diễn ra trong 1 giờ và các sản phẩm nguyên mẫu của họ có dung tích 10 lít. Hiện tại, thùng lọc này đang được dùng thử nghiệm trong các cộng đồng dân cư tại Ấn Độ, nhưng Giáo sư Thalappil Pradeep, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nó có tiềm năng áp dụng cho các khu vực nông thôn khác trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 783 triệu người trên thế giới (chiếm 11% dân số) đang thiếu nước sạch sử dụng. Nguồn KhoaHoc.com.vn