Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển y tế cộng đồng, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, hôm 23/2. Thành phố đặt mục tiêu nâng tuổi thọ trung bình lên 77 tuổi vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2024, TP HCM triển khai chương trình khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người dân trên 60 tuổi, giúp xác định sớm các mô hình bệnh tật, can thiệp kịp thời và giảm chi phí điều trị. Bên cạnh tuổi thọ, tầm vóc và thể lực của người dân TP HCM cũng được cải thiện rõ rệt. Chiều cao trung bình của nam giới tăng từ 168,2 cm năm 2014 lên 169,2 cm năm 2019, trong khi nữ giới tăng từ 155,9 cm lên 157 cm trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tử vong bà mẹ đều giảm mạnh, duy trì ở mức thấp nhất cả nước. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng được kiểm soát hiệu quả. Người dân tập thể dục trong công viên Tao Đàn, quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần Trong gần 40 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, TP HCM đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Thành phố cùng cả nước thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine như ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi đều giảm đáng kể. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới một tuổi luôn đạt trên 95%, giúp duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Ngoài ra, TP HCM đã loại trừ sốt rét từ năm 2020 và bệnh phong từ năm 2023. Tuy nhiên, nơi này đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm gánh nặng bệnh tật kép khi tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng, trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi vẫn xuất hiện. Các yếu tố như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa và lối sống không lành mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Để ứng phó, ngành y tế TP HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân vào năm 2025, đồng thời triển khai các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, liên tục và toàn diện, đồng thời nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, người lao động và người cao tuổi. Việc tăng tỷ suất sinh cũng góp phần ổn định quy mô dân số, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress