Ung thư cổ tử cung được chia thành các giai đoạn 1-4, chẩn đoán sớm tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 92%. Cổ tử cung là một ống rỗng nhỏ nối tử cung với âm đạo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở nữ giới, thường xảy ra từ trên 30 tuổi. Nguyên nhân chính là nhiễm virus u nhú ở người (HPV) lây truyền qua hoạt động tình dục. Đây thường là loại ung thư phát triển chậm, do đó tầm soát thường xuyên rất quan trọng. Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn, dựa trên hệ thống phân loại của Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO). Các giai đoạn này được phân loại theo kích thước khối u và mức độ lan rộng của ung thư ra ngoài cổ tử cung. Giai đoạn một Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã phát triển và lan từ bề mặt cổ tử cung vào các mô sâu hơn bên trong. Song ung thư vẫn khu trú, chưa lan ra ngoài cổ tử cung vào hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác. Khối u có kích thước từ dưới 3 mm đến khoảng 4 cm. Người bệnh thường không có triệu chứng. Nếu được phát hiện, ung thư cổ tử cung giai đoạn một có khả năng điều trị cao và có tiên lượng tốt. Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là khoảng 92%, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn một tùy thuộc vào mong muốn duy trì khả năng sinh sản của người bệnh, cũng như tình trạng lan rộng của tế bào ung thư vào máu, mạch bạch huyết hoặc các mô gần đó. Người muốn bảo tồn khả năng sinh sản thường được điều trị bằng phương pháp sinh thiết hình nón, tức phẫu thuật cắt bỏ phần mô hình nón khỏi cổ tử cung. Nếu không có tế bào ung thư, người bệnh không cần điều trị thêm, nhưng cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện khả năng bệnh tái phát. Trường hợp không có nhu cầu mang thai trong tương lai, người bệnh có thể được cắt bỏ tử cung tử cung và cổ tử cung. Phương pháp này chỉ được khuyến nghị nếu ung thư chưa lan vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Nếu người bệnh không muốn phẫu thuật hoặc không đủ khỏe mạnh để phẫu thuật, hóa trị kết hợp xạ trị có thể được sử dụng như phương pháp điều trị thay thế. Giai đoạn hai Ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, nhưng chưa lan vào hạch bạch huyết, thành chậu hoặc phần dưới của âm đạo, các cơ quan hoặc vùng xa trong cơ thể. Khối u nhỏ hơn hoặc lớn hơn 4 cm. Các triệu chứng có thể xảy ra như đau hoặc chảy máu sau khi giao hợp, đau vùng chậu, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu giữa các kỳ kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc nhiều hơn, dịch tiết âm đạo đôi khi có máu. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 có thể điều trị và chữa khỏi. Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm khoảng 61%, theo Trung tâm Ung thư Đại học Kansas, Mỹ. Người bệnh thường được điều trị bằng cách cắt bỏ toàn bộ tử cung, cộng với cắt bỏ hạch bạch huyết vùng chậu và lấy mẫu hạch bạch huyết quanh động mạch chủ. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các mô gần đó, bác sĩ có thể khuyến cáo xạ trị sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể xạ trị, có hoặc không kèm hóa trị, thay vì phẫu thuật cho người bệnh. Ở cuối giai đoạn hai, ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung vào các mô vùng chậu xung quanh như phần trên của âm đạo, bàng quang hoặc trực tràng. Giai đoạn này được gọi là ung thư cổ tử cung tiến triển tại chỗ. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này thường được điều trị bằng hóa xạ trị. Giai đoạn ba Ung thư đã lan vào phần dưới âm đạo hoặc thành chậu. Ung thư có thể hoặc không lan vào các hạch bạch huyết gần đó, chưa lan đến các cơ quan hoặc vùng xa của cơ thể. Khối u có thể đủ lớn để chặn các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản), gây thận ứ nước. Các triệu chứng bao gồm khó tiểu tiện hoặc đi đại tiện, chân sưng, đau khi quan hệ tình dục, máu trong nước tiểu, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau lưng. Vì ung thư giai đoạn này đã lan rộng nên tỷ lệ sống sót sau 5 năm ước tính là 32-35%, theo Trung tâm Ung thư Đại học Kansas, Mỹ. Người bệnh thường được điều trị bằng hóa xạ trị. Giai đoạn 4 Đây là giai đoạn ung thư cổ tử cung tiến triển nhất. Ung thư cổ tử cung tái phát thường nằm trong giai đoạn này. Ở giai đoạn 4, các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan lân cận hoặc các vùng khác của cơ thể như bàng quang hoặc trực tràng, thậm chí gan, phổi hoặc xương. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi hoặc kiệt sức, chóng mặt, đau xương hoặc gãy xương, lỗ rò âm đạo (một lỗ nối âm đạo và trực tràng), khó thở, khạc ra máu. Ung thư ở giai đoạn này thường không được coi là có thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm xạ trị, có hoặc không có hóa trị. Liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch cũng có thể được sử dụng. Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 là khoảng 17%, theo Trung tâm Ung thư Đại học Kansas, Mỹ. Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung có thể gây các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, mệt mỏi và bầm tím nhiều hơn. Người bệnh có thể mãn kinh sớm hoặc kinh nguyệt không đều. Một số phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung có sức khỏe tốt sau khi kết thúc quá trình điều trị, cũng có trường hợp khác sống chung với bệnh suốt quãng đời còn lại. Người bệnh cần tuân thủ tái khám và xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi triệu chứng mới để điều trị nhanh chóng khi cần thiết. Anh Ngọc (Theo Verywell Health) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress