PGS Nguyễn Lân Hiếu: 'Nếu lọc máu chữa được bách bệnh, bác sĩ đã thất nghiệp'

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 23, 2025 at 10:53 AM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 23)

    PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng quảng cáo "lọc máu siêu công nghệ" ngừa ung thư, đột quỵ chỉ là chiêu trò lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.


    Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về "lọc máu siêu công nghệ", hứa hẹn khả năng "cải lão hoàn đồng", phòng ngừa đột quỵ, ung thư, thậm chí tái tạo cơ quan. Thực tế, nhiều người dân thực hiện liệu pháp này, thậm chí sang Singapore, Nhật Bản với chi phí hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết hôm 22/2.


    [​IMG]

    Lọc máu là phương pháp điều trị bệnh, được thực hiện tại Bệnh viện, không tùy ý lạm dụng. Ảnh: Theo Health xchange


    Khảo sát của VnExpress cũng cho thấy, tại một cơ sở y tế ở Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên giới thiệu liệu pháp lọc máu công nghệ Nhật Bản như một phương pháp "trả lại máu sạch" mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Theo lời quảng cáo, máu được lấy từ động mạch tay phải, qua hai bộ lọc siêu biệt để loại bỏ mỡ máu, độc tố và virus, sau đó trả lại máu sạch vào tĩnh mạch tay trái. Họ cam kết phương pháp này giúp giảm ngay chỉ số mỡ máu sau lần lọc đầu tiên, đồng thời cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và trẻ hóa cơ thể.

    Một cơ sở khác tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) quảng bá liệu pháp này như một công nghệ tiên tiến, phổ biến tại Nhật Bản, Đức, Mỹ. Họ khẳng định lọc máu có thể loại bỏ cholesterol xấu, triglyceride, virus và các chất gây viêm, giúp "nuôi dưỡng từng tế bào máu". Chi phí cho một liệu trình dao động từ 120 đến 150 triệu đồng, bao gồm xét nghiệm, tư vấn và giám sát 24/24 bởi chuyên gia nước ngoài.

    Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh lọc máu là một phương pháp y khoa quan trọng, được sử dụng để cứu sống bệnh nhân suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng hoặc viêm tụy cấp. Nhưng đến nay, chưa có bất kỳ khuyến cáo khoa học nào về việc sử dụng lọc máu như một biện pháp dự phòng hay làm đẹp.

    "Nếu chỉ cần vài giờ và vài chục triệu đồng để phòng ngừa đột quỵ, tiểu đường hay giảm mỡ máu, thì các bác sĩ chân chính đã thất nghiệp từ lâu", ông nói.

    Tương tự, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết kỹ thuật lọc máu thực chất là thay huyết tương hoặc lọc huyết tương, nhằm loại bỏ một phần huyết tương chứa mỡ máu và độc tố. Phương pháp này chỉ được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý nghiêm trọng, như tổn thương thận cấp, suy đa tạng hoặc sốc nhiễm khuẩn. "Không có chỉ định nào cho việc lọc máu để làm đẹp, thanh lọc cơ thể hay phòng ngừa bệnh nan y", ông khẳng định.

    Theo quy định của Bộ Y tế, kỹ thuật lọc máu chỉ được áp dụng trong các trường hợp viêm tụy cấp kèm chỉ số triglyceride tăng cao (trên 11 mmol/L) và phải thực hiện tại các bệnh viện được cấp phép. Chi phí thực hiện rất cao và đòi hỏi đội ngũ chuyên môn. Hiện tại, Việt Nam chưa có hướng dẫn nào về việc sử dụng lọc máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ, xơ vữa động mạch hay các bệnh lý khác.


    [​IMG]

    Hình ảnh lọc máu của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.


    Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giải thích rằng lọc máu là một kỹ thuật y khoa nhằm loại bỏ nhanh chóng các độc tố, thành phần dư thừa hoặc tác nhân gây bệnh ra khỏi máu. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân suy thận, suy gan, ngộ độc hoặc các rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất trong máu đều cần được loại bỏ. "Lipid, chẳng hạn, không phải tất cả đều xấu. Một số loại mỡ tốt còn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường collagen cho thành mạch và bảo vệ não bộ," ông nói.

    Lạm dụng lọc máu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ mạch, tắc mạch, nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong. Phương pháp này cũng chống chỉ định với những người bị tăng huyết áp hoặc máu khó đông. Do đó, Bộ Y tế chỉ cấp phép thực hiện lọc máu tại một số bệnh viện lớn và trong các trường hợp bệnh lý cụ thể.

    Các chuyên gia nhấn mạnh rằng đột quỵ, ung thư hay các bệnh lý mãn tính khác thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm rối loạn chuyển hóa, lối sống không lành mạnh hoặc yếu tố bẩm sinh. Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể phòng ngừa hoàn toàn những bệnh này.

    Thay vì tìm kiếm các liệu pháp "thần kỳ", mọi người nên tập trung vào chăm sóc sức khỏe toàn diện: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và tập thể dục thường xuyên. Đây mới là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, bác sĩ Thanh khuyến cáo.

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - PGS Nguyễn Lân Hiếu: 'Nếu lọc máu chữa được bách bệnh, bác sĩ đã thất nghiệp'

Share This Page