TP HCMCác em bé từng được can thiệp sửa chữa van tim trong bụng mẹ, nay chào đời khỏe mạnh, được phụ huynh bế đến hội ngộ bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1. Là trường hợp can thiệp tim thai thứ hai tại Việt Nam, bé Hương Giang, nay sắp tròn một tuổi, nặng 9,5 kg, nhoẻn miệng cười vui vẻ với các y bác sĩ tại chương trình Nửa thế kỷ Bệnh viện Từ Dũ vươn mình, ngày 21/2. Cô bé khá dạn dĩ, luôn tay sờ vào đồng hồ, mắt kính của các bác sĩ khi được bế. Tên bé được bố mẹ ghép từ tên BS.CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ và BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, hai thành viên trong êkíp can thiệp tim thai có nhiều gắn bó với hành trình chào đời. Chị Phương Anh, 28 tuổi, mẹ bé, cho biết từng tuyệt vọng khi siêu âm tim thai phát hiện bất thường lúc 21 tuần với chẩn đoán hẹp van động mạch chủ. Sau nhiều lần hội chẩn, bác sĩ tư vấn nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch chủ hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi thai, khả năng rất cao em bé sẽ tử vong trong bụng mẹ. Nếu sống sót, thai sẽ diễn tiến hội chứng thiểu sản thất trái và thành tim một thất, sau sinh trẻ phải phẫu thuật nhiều giai đoạn hoặc phải điều trị triệt để bằng ghép tim. Ngày nhận được tin có thể thực hiện can thiệp tim em bé trong bụng mẹ, chị Phương Anh "như được thắp lên hy vọng". Tuy nhiên, bác sĩ dự báo tư thế thai nhi không thuận lợi, gây khó thực hiện thủ thuật, dễ thất bại, rủi ro mất tim thai trong cuộc can thiệp. Đêm trước ngày can thiệp lúc thai 29 tuần, chị hồi hộp không ngủ được, dặn bản thân phải vững tin vào y bác sĩ, trò chuyện mong con "cố gắng đồng hành cùng mẹ, vượt qua khó khăn trở ngại này". "Tôi không biết can thiệp bao nhiêu lâu, trải qua những gì, chỉ đến khi tỉnh dậy nghe tiếng vỗ tay của y bác sĩ, tôi như vỡ òa vì biết can thiệp thành công", người mẹ nhớ lại. Mẹ con bé Hương Giang hội ngộ BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang (váy đen) và TS.BS Đỗ Nguyên Tín, ngày 21/2. Ảnh: Lê Phương Ngày 29/2/2024, cô bé chào đời khỏe mạnh, hồng hào, khóc to, tự thở khí trời, không cần phải hỗ trợ hô hấp. Gần một tháng tuổi, bé được nong van tim và sau đó mổ sửa van tim, hiện sức khỏe ổn định, phát triển bình thường như những trẻ khác. Theo chị Phương Anh, may mắn bé gặp thời điểm y học Việt Nam phát triển, được thừa hưởng thành tựu can thiệp bào thai. "Lúc ẵm con trong tay sau khi vượt cạn, tôi bồi hồi xúc động, niềm mong mỏi của gia đình được báo đáp, niềm hy vọng của y bác sĩ đã thành công", chị nói. Cùng với Hương Giang, 4 bé khác cũng được can thiệp tim bào thai và chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ trong năm 2024. Dịp hội ngộ này, gia đình các bé gặp gỡ, gửi tặng hoa, tri ân các y bác sĩ và êkíp can thiệp tim thai. Kỹ thuật này từng được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam vào năm ngoái. Can thiệp tim bào thai đòi hỏi rất lớn ở tay nghề bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được. TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những ca đầu tiên ông khá căng thẳng, bởi y khoa luôn có những mong manh nhất định. Điều khó nhất là luồn kim đi đúng hướng vào tim thai để đưa dụng cụ vào. Đến lúc đâm kim vào can thiệp thành công, cả êkíp không giấu được niềm vui, reo hò vỗ tay, ôm chầm lấy nhau. Các y bác sĩ hai bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên, hồi tháng 1. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Theo bác sĩ Thư Hương, đứng trước kỹ thuật quá mới với rất nhiều áp lực của người đi đầu, ai cũng lo lắng. Thủ thuật luôn đi kèm những rủi ro, trong khi chưa có hành lang pháp lý bảo vệ. Nếu thất bại, có thể đó sẽ là dấu chấm hết của kỹ thuật này. "Dù rất lo nhưng các em bé không thể chờ, diễn tiến bệnh không thể chờ, chúng tôi phải nỗ lực hết mức có thể để triển khai kỹ thuật", bác sĩ Hương nói, thêm rằng các bé ra đời không phải thở oxy là món quà "gần như vô giá" với nhân viên y tế. BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết những năm qua, trên 15.000 trường hợp bất thường bào thai ở nhiều mức độ đã được bệnh viện phát hiện và phối hợp xử trí. Sau thành công của kỹ thuật can thiệp tim bào thai, gây tiếng vang trên thế giới, bệnh viện đang nỗ lực tiến tới can thiệp thoát vị hoành, các kỹ thuật chuyên sâu hơn. Nơi này vừa ký hợp tác với trung tâm can thiệp bào thai lớn của Italy, cùng trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao các kỹ thuật từ những nước tiên tiến về Việt Nam. Các đại biểu cắt băng khánh thành đơn vị hồi sức sơ sinh đạt chuẩn châu Âu tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 21/2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Dịp này, bệnh viện khánh thành Trung tâm Hồi sức Sơ sinh chuẩn châu Âu - nơi tạo ra những kỳ tích cho trẻ sơ sinh non tháng. Với hơn 220 trường hợp chăm sóc mỗi ngày, trung tâm giúp tăng tỷ lệ nuôi sống trẻ non tháng, đặc biệt là những trẻ cực non từ 24-28 tuần. Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng đánh giá thành phố có sự phối hợp rất tốt giữa các bệnh viện chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi, giúp cứu sống nhiều trẻ. Lãnh đạo ngành y tế kỳ vọng bệnh viện tiếp tục đầu tư cho khu hồi sức sơ sinh đạt được cấp độ 4 - cao nhất về hồi sức sơ sinh trên thế giới. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress