Cúm 'tăng cục bộ' do virus H1N1, H3N2 và B

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 9, 2025 at 2:03 AM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 8)

    Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và Tết song không tăng đột biến so với hàng năm, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.


    Thông tin được Bộ Y tế trong công văn gửi các địa phương về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, hôm 8/2.

    Theo đó, năm 2024, cả nước ghi nhận gần 290.000 ca cúm mùa, giảm 18% so năm trước đó, với 8 ca tử vong. Còn từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 900 ca cúm, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái, không có ca tử vong.

    "Số trường hợp mắc cúm tăng cục bộ, tuy nhiên không tăng đột biến so với số ca cùng kỳ hàng năm trước đây, với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B", Bộ Y tế đánh giá.

    Tại một số bệnh viện, số bệnh nhân khám, cấp cứu do cúm mùa cũng gia tăng và được đánh giá tương đương các năm. Như Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mạn tính thường có diễn biến nặng.


    [​IMG]

    Bệnh nhân mắc cúm nặng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Lý giải nguyên nhân, Bộ Y tế cho hay thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

    Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện. Hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

    Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Cúm 'tăng cục bộ' do virus H1N1, H3N2 và B

Share This Page