Robot bay 6 chân trang bị hệ thống đẩy tên lửa là công cụ quan trọng tiếp theo của Trung Quốc để tìm kiếm nước ở cực nam Mặt Trăng. Mô phỏng robot bay dự kiến phóng lên Mặt Trăng trong nhiệm vụ Hằng Nga 7 của Trung Quốc năm 2026. Ảnh: CCTV Cực nam Mặt Trăng thu hút sự quan tâm lớn với khả năng tồn tại băng nước trong những hố sâu mà ánh sáng Mặt Trời không bao giờ chiếu tới. Trong nhiệm vụ Hằng Nga 7, dự kiến triển khai năm 2026, Trung Quốc dự định phóng một robot bay thông minh để thám hiểm khu vực này, Interesting Engineering hôm 4/2 đưa tin. Nhiệm vụ Hằng Nga 7 sẽ tìm hiểu cực nam Mặt Trăng bằng cách sử dụng tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, robot tự hành và robot bay. Chúng sẽ phối hợp với nhau để thực hiện khảo sát toàn diện nhất về khu vực này. Nhóm phụ trách nhiệm vụ nhận xét rằng robot bay vô cùng thông minh. Một nghiên cứu trước đó do Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và Viện Kỹ thuật Hệ thống Tàu vũ trụ công bố cho thấy, robot này được thiết kế cho nhiều loại chuyển động như leo trèo, bò, nhảy và bay bằng tên lửa. Hệ thống đẩy tên lửa cho phép robot bay hoạt động trong môi trường chân không của Mặt Trăng. Với bình nhiên liệu và động cơ đẩy, robot có thể cất cánh nhanh chóng và hạ cánh ở nhiều địa điểm khó trên thiên thể này. Thiết kế của robot bay 6 chân mới sẽ đảm bảo hạ cánh an toàn trên các sườn dốc. Nó cũng lập trình chuyển động chân và khớp để điều hướng trên bề mặt Mặt Trăng. Robot tự hành truyền thống bị hạn chế bởi bánh xe và chỉ di chuyển được trong phạm vi nhỏ xung quanh điểm hạ cánh. Tuy nhiên, robot bay có thể nhảy hàng chục km, khám phá những hố sâu và khu vực chìm trong bóng tối mà robot tự hành gắn bánh xe không thể tiếp cận. Trên Mặt Trăng, robot bay sẽ thực hiện ít nhất 3 lần nhảy có kích hoạt động cơ trước khi sử dụng năng lượng Mặt Trời để tiếp tục khám phá xung quanh. Nó cũng mang theo một camera, cánh tay robot và các thiết bị khoa học như máy phân tích phân tử nước và đồng vị hydro. Nhiệm vụ Hằng Nga 7 sẽ thử nghiệm các công nghệ cần thiết cho việc định cư lâu dài trên Mặt Trăng, đồng thời giúp thiết lập một trạm nghiên cứu Mặt Trăng trong tương lai. Sau nhiệm vụ này, Trung Quốc dự kiến triển khai nhiệm vụ Hằng Nga 8 vào năm 2028. Nếu thành công, các nhiệm vụ Hằng Nga 7 và Hằng Nga 8 sẽ đặt nền móng cho nhiệm vụ chở người lên Mặt Trăng vào năm 2030. Thu Thảo (Theo Interesting Engineering) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress