Carl Wilhelm Scheele phát hiện nhiều nguyên tố và cô lập nhiều hợp chất hơn bất kỳ đồng nghiệp nào, nhưng thứ duy nhất được đặt theo tên ông lại là một loại thuốc độc. Bức tượng của nhà hóa học Carl Wilhelm Scheele ở công viên Humlegarden tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Mikhail Markovskiy Carl Wilhelm Scheele sinh năm 1742 ở Stralsund, thuộc nước Đức ngày nay. Cha ông là một thương gia nổi tiếng, nhưng Scheele chọn theo ngành hóa học. Ở tuổi 14, Scheele làm việc với một dược sĩ ở Gothenburg, Thụy Điển, nơi ông có trải nghiệm trực tiếp đầu tiên với hóa chất. Nhiều loại hóa chất đa dạng có sẵn khiến ông thích thú và thường thí nghiệm với chúng tới khuya sau giờ làm việc. Một buổi tối, khi thí nghiệm với hỗn hợp đặc biệt dễ bay hơi, Scheele gây ra vụ nổ lớn làm rung chuyển cả ngôi nhà và khiến ông chủ nổi giận. Scheele bị yêu cầu nghỉ việc và không lâu sau, ông tìm được vị trí tốt hơn với người chủ mới là C. M. Kjellström ở Malmö. Thông qua ông, Scheele lần đầu tiếp xúc với giới học thuật. Hai năm sau, năm 1967, Scheele chuyển tới Stockholm và làm việc như một dược sĩ. Một trong những phát hiện đầu tiên của ông là axit tartaric, loại axit hữu cơ màu trắng tinh thể tồn tại tự nhiên trong nhiều loại trái cây như nho. Các nhà sản xuất nho đã biết tới axit tartaric trong nhiều thế kỷ, nhưng Scheele phát triển một kỹ thuật để tách nó bằng phương pháp hóa học. Scheele cũng là người đầu tiên cô lập axit lactic từ sữa chua, cũng như glycerin. Ông phát hiện hydro florua và hydro sulfide. Nhưng phát hiện lớn nhất của Scheele là oxy và sự kiện này cũng đánh dấu bắt đầu sự nghiệp cực kỳ kém may mắn của ông. Phát hiện oxy của Scheele ra đời 3 năm trước Joseph Priestley nhưng ông mất 6 năm để công bố nghiên cứu. Trước lúc đó, Joseph Priestley đã xuất bản dữ liệu thí nghiệm và kết luận về oxy. Trước khi loại khí này được đặt tên là "oxy", Scheele gọi nó là "khí lửa" do khả năng hỗ trợ đốt cháy. Scheele cũng nhận thấy không khí là hỗn hợp của "khí lửa" và khí khác có/không hít thở được. Scheele tiếp tục phát hiện ít nhất thêm 6 nguyên tố nữa là bari, clo, molybdenum, mangan, ni tơ, và tungsten nhưng không được ghi nhận. Trong trường hợp clo, Scheele cho rằng đây là một oxit thu thập từ axit hydrochloric. Mãi 4 thập kỷ sau, Humphrey Davy mới chắc chắn đây là một nguyên tố. Davy đặt tên cho nó là clo. Đối với bari, Scheele biết nó là nguyên tố nhưng không thể cô lập. Chính Humphrey Davy đã cô lập thành công kim loại. Scheele có thể sẽ được nhớ tới nhờ nhiều thứ và lãng quên với phát minh duy nhất của ông thu hút sự chú ý, đó là hợp chất mang tên Màu xanh Scheele từng khiến vô số người thiệt mạng trong nhiều thập kỷ, có thể bao gồm Napoleon. Màu xanh Scheele là chất màu xanh lá cây - vàng, dùng để nhuộm giấy như giấy dán tường, vải bông, vải lanh và cả trong một số đồ chơi trẻ em. Chất màu này là hợp chất của thạch tín. Vào thời đó, độc tính của thạch tín chưa được biết tới. Mọi người sử dụng giấy dán tường màu xanh lá cây tươi trong phòng, phụ nữ mặc váy màu xanh lá, các tờ báo cũng sử dụng màu sắc xanh lá để in quảng cáo. Trong thời gian Napoleon bị lưu đày trên đảo Helena, ông sống trong một ngôi nhà có các phòng sơn màu xanh lá, màu sức ưa thích của ông. Dù Napoleon chết do ung thư dạ dày, tiếp xúc với thạch tín làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô. Về nhiều phương diện, Scheele đi trước thời đại rất xa. Ông phát hiện nhiều nguyên tố và cô lập nhiều hợp chất hơn bất kỳ đồng nghiệp nào, nhưng thứ duy nhất được đặt theo tên ông lại là một loại thuốc độc. Nhiều năm làm việc với hóa chất nguy hiểm, bao gồm kim loại nặng (Scheele có thói quen ngửi và nếm bất kỳ hóa chất nào mà ông phát hiện) ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của ông và ông mắc bệnh thận. Scheele qua đời khá trẻ ở tuổi 43 do ngộ độc thủy ngân. An Khang (Theo Amusing Planet) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress