Giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam cho rằng nước ta hiện chưa có kỹ thuật xét nghiệm tầm soát gen ung thư vú nên giải pháp điều trị cắt bỏ mầm bệnh sớm như minh tinh Angelina Jolie là chưa từng thực hiện. Diễn viên người Mỹ Angeline Jolie - mẹ của 6 đứa con, vừa cắt bỏ vòng 1 để ngăn chặn mầm bệnh ung thư vú sau khi cô phát hiện mang gen bệnh di truyền từ người mẹ. Bác sĩ Hùng cho rằng việc đoạn nhũ để phòng nguy cơ ung thư như cách mà ngôi sao này chọn là giải pháp được chấp nhận, rất can đảm nhưng hơi vội. "Không phải ai khi xét nghiệm xác định mình có bất thường gen cũng dám can đảm quyết định đoạn nhũ, bởi các chẩn đoán cũng chỉ cảnh báo nguy cơ bệnh chứ ung thư chưa hề xuất hiện", bác sĩ Hùng nói. Theo ông, không chỉ người bệnh mà ngay cả bác sĩ cũng phải rất cân nhắc khi đoạn nhũ trong trường hợp của Angelina Jolie. Thông thường, các bác sĩ sẽ theo dõi sát bằng siêu âm, chụp nhũ ảnh, MRI tuyến vú để sớm phát hiện biểu hiện ung thư. Việt Nam chưa có xét nghiệm tầm soát gen ung thư vú nên giải pháp điều trị như Angelina Jolie là chưa từng thực hiện ở nước ta. Tuy nhiên bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện tại, ung thư vú có thể được phát hiện từ giai đoạn sớm. "Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2, đến 90% bệnh nhân ung thư vú có cuộc sống tốt sau điều trị", bác sĩ Hùng nhấn mạnh. Việt Nam chưa có xét nghiệm tầm soát gen ung thư vú nêu giải pháp điều trị như Angelina Jolie là chưa từng thực hiện. Ảnh: sigmalive Kỹ thuật điều trị mà Việt Nam áp dụng hiện nay, theo bác sĩ Hùng, với khối u ung thư vú chưa quá to, bác sĩ có thể phẫu thuật để chỉ lấy khối u, phần mô ngực và da ngực còn lại vẫn được bảo tồn. Phương pháp này không thể thực hiện ở người bệnh có mô ngực quá nhỏ. Nếu có chỉ định, việc phẫu thuật phối hợp với xạ trị và hóa trị sẽ cho kết quả điều trị tốt. "Với những bệnh nhân ung thư vú phải đoạn nhũ, trước đây khi cắt bỏ toàn bộ mô ngực thì phải chờ khoảng 3 năm mới tạo hình ngực, còn hiện nay, bác sĩ đã có thể tái tạo ngực tức thì sau mổ. Có nghĩa là mở mắt sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có bộ ngực mới", bác sĩ Hùng nói. Một phương pháp điều trị ung thư vú khác cũng được các bác sĩ tại Việt Nam áp dụng, là sau khi xác định bệnh nhân bị ung thư sẽ àm phép thử để biết gen xáo trộn của tế bào ung thư nhằm chọn loại thuốc điều trị trúng đích. "Nói tóm lại, ung thư đặc biệt là ung thư vú nếu biết sớm sẽ trị lành. Tuy chưa thể xét nghiệm gen nhưng các thiết bị hiện nay đã có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư vú từ rất sớm", bác sĩ Hùng nói. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Trung tâm Ung bướu - Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115, bất cứ phẫu thuật nào cũng có yếu tố nguy cơ, không thể nào đảm bảo an toàn tuyệt đối, do đó việc phẫu thuật cắt bỏ nhũ hoa để đề phòng ung thư vú là quá mạo hiểm, đặc biệt là trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Bác sĩ Ngọc Anh đưa ra lời khuyên, với những phụ nữ trong nhóm có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú, chỉ cần xây dựng kế hoạch tầm soát thường xuyên 3-6 tháng một lần. Hiện nay các phương pháp tầm soát ung thư vú như siêu âm, chụp nhũ ảnh, thử máu đều khá hiệu quả. Nếu khối u ở vú nghi ngờ ung thư, chụp nhũ ảnh giúp đánh giá kích thước và tính chất của vùng bị ảnh hưởng. Siêu âm cũng có thể phải làm để xác định khối u nang nước hay mô đặc mà có thể là ung thư. Những phụ nữ có mô vú dày đặc và nghi ngờ ung thư, có thể chụp MRI để phát hiện thêm những khối u nhỏ khác và cũng như để xác định kích thước hay độ lan rộng của ung thư. “Hiện nay ở Việt Nam kỹ thuật điều trị ung thư vú đã có nhiều tiến bộ với nhiều thiết bị hiện đại. Ung thư vú nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u và vẫn bảo tồn được phần vú. Vì thế việc phẫu thuật cắt bỏ vú để phòng ngừa ung thư vú là hơi thái quá”, bác sĩ Ngọc Anh chia sẻ. Cụ thể, việc điều trị ung thư vú tùy thuộc vào từng giai đoạn phát hiện, tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn sớm bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt u và vẫn sẽ được bảo tồn vú. Giai đoạn muộn hơn, cần phải phẫu thuật cắt bỏ vú và nạo hạch. Nếu khối u đã di căn quá xa thì phải dùng biện pháp hóa trị, xạ trị. Thông thường, phụ nữ có sự biến loạn đứt đoạn khiếm khuyết gen BRCA1 và BRCA2 thì nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng cao, nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp trong số bệnh nhân có yếu tố di truyền. Hiện nay việc phát hiện ung thư vú từ xét nghiệm gen di truyền là một phương pháp hiện đại mà một số nước trên thế giới đang áp dụng và đạt được một số thành công. Ở Việt Nam, công nghệ này vẫn chưa phổ biến do giá thành cao và còn nhiều khó khăn trong việc ứng dụng đại trà. Thiên Chương - Lê Phương Nguồn VNExpress