Già không điểm tựa

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 15, 2025 at 6:54 AM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 42)

    [​IMG]

    Trong căn phòng sặc mùi dầu gió, bà Tư nằm co mình trên giường, tay quờ quạng tìm chiếc kính lão, thở nặng nhọc. Bà vừa ra viện sau một tuần cấp cứu do nôn ra máu gây mất máu nghiêm trọng, kèm theo 7 bệnh nền khác.

    Trước đây, dù tai không nghe tiếng, bà vẫn minh mẫn và có thể tự đi lại. Cơn bạo bệnh cuối năm ngoái không chỉ vắt kiệt sức khỏe mà cướp đi cả khả năng tự chủ còn lại, khiến sức nhìn của bà giảm mạnh, lúc nhớ lúc quên, ngồi dậy cần có người đỡ. Tình cảnh mới buộc bà phải dựa vào đôi chân của người khác.

    Ở gian nhà bên cạnh, ông Ba (90 tuổi) - anh trai bà - chậm rãi múc từng thìa cháo, còn bà Chín (79 tuổi) - em gái bà - ngồi trông tiệm tạp hóa trước cửa nhà, ngóng con gái về. Ba người lớn tuổi như ba ngọn đèn trước gió, chỉ trông vào sự chăm lo của chị Nguyễn Thị Thu Trúc, con bà Chín, nay cũng đã 50 tuổi. Lúc nào, chị cũng nơm nớp lo chẳng may bệnh ập đến cả ba người già cùng lúc, "sức mình làm sao chăm nổi".

    Ông Ba, bà Tư, bà Chín nằm trong số 14,2 triệu người cao tuổi Việt Nam, chiếm 14% dân số, theo số liệu năm 2024 của Tổng cục Thống kê. Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Giai đoạn 2010-2023, chỉ số già hóa toàn quốc tăng 1,5 lần, từ 37,9% lên 58,3%. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực già hóa nhanh nhất và hiện có chỉ số cao nhất nước.


    "Thách thức lớn nhất với người cao tuổi Việt Nam là sức khỏe yếu, thu nhập thấp, trong khi chi phí y tế đang tăng lên", bà Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Dân số và Phát triển, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nói.

    Theo cách phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, ba trụ đỡ chính của người cao tuổi, bảo đảm già hóa thành công gồm: độc lập tài chính; sức khỏe thể chất, tinh thần tốt; và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Ba yếu tố này như "kiềng ba chân" vững chắc, bổ trợ cho nhau, bảo đảm người già có cuộc sống độc lập, khỏe mạnh.

    Tuy nhiên, 75% người cao tuổi Việt Nam - hơn 10,7 triệu người - hiện không được hưởng các chính sách xã hội như lương hưu hay trợ cấp hàng tháng, theo số liệu năm 2023 của Bộ Lao động, Thương binh, và Xã hội (LĐTBXH). Tuổi thọ bình quân lên đến 74,7, nhưng chỉ có 65 năm khỏe mạnh, còn lại sống chung với bệnh tật, mắc nhiều bệnh nền cùng lúc, theo Bộ Y tế.

    Nhiều người già giống như bà Tư, ông Ba, bà Chín, bắt đầu nửa sau cuộc đời với "chiếc kiềng" khập khiễng, buộc phải sống dựa vào người thân.

    [​IMG]
    Ông Ba (90 tuổi) và bà Chín (79 tuổi), huyện Châu Thành, Bến Tre, bên cạnh tiệm tạp hóa trước nhà - một trong những nguồn thu nhập cho gia đình 6 người.
    [​IMG]

    Một nửa trong tổng số 18 anh chị em gia đình bà Tư sống quy tụ gần nhau trong xóm nhỏ ở vùng ven huyện Châu Thành, Bến Tre, cạnh phần đất hương hỏa của ba má. Hầu hết là cặp vợ chồng trên 60 tuổi, ít bóng dáng trẻ em.

    Bà Tư vốn không chồng, cũng không con. 15 năm trước, bà bán mảnh vườn cũ, dồn tiền cùng em gái - bà Chín - mua đất rồi chuyển về đây để chị em sớm tối nương nhờ. Cả hai lúc đó đều trên 60 tuổi, không hưu trí, mưu sinh bằng tiệm tạp hóa trước nhà và quán cháo vịt của chị Trúc.

    Thế nhưng, ba năm trước, quán cháo đóng cửa vì dịch Covid-19. Quê không có việc, chị Trúc phải lên thành phố làm thuê, để lại dì và mẹ cho chồng chăm sóc. Nhưng anh cũng đi làm cả tuần, trong nhà hầu như chỉ còn bóng hai mái đầu bạc.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Bà Tư (88 tuổi, Bến Tre) không thể tự chăm sóc bản thân, sống phụ thuộc hoàn toàn vào chị Nguyễn Thị Thu Trúc, con của bà Chín. Bên phải là ảnh chụp bà Tư (áo xanh) cùng gia đình khi còn khỏe mạnh.

    Tưởng cuộc sống "cứ thế xoay tròn", song tuổi tác và bệnh tật bắt đầu trở thành sức nặng với hai chị em. Sức khỏe bà Tư kém dần, không thể nấu ăn, giặt giũ. Từng chức năng trên cơ thể lần lượt bị tuổi già "đốn ngã", đôi tai không còn rõ tiếng, đôi mắt lem nhem nhìn chữ mờ, chữ tỏ. Ở tuổi gần 80, bà Chín trở thành điểm tựa duy nhất cho chị gái, dù trụ đỡ của bản thân cũng mong manh.

    "Phải mình còn trẻ, còn khỏe, nhưng mấy năm nay mình rệu quá", bà Chín nói.

    Cũng năm đó, gia đình đón thêm người anh - ông Ba - từ TP HCM về. Khi ấy, ông vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u, thời gian sống tính bằng tháng, đi phải có người bế, còn lại nằm một chỗ. "Lá rụng về cội", ông sợ mai này có mệnh hệ gì, có thể đoàn tụ với ba má ở nghĩa trang gia đình.

    Nào ngờ, quê nhà như "liều thuốc thần" chữa lành cơ thể đang bị bệnh tật và tuổi tác tàn hoại, ông dần hồi phục. Thế nhưng, trận ốm "thập tử nhất sinh" cũng lấy đi của ông thính giác và phần lớn sức lực. Việc giao tiếp chỉ có thể thực hiện qua giấy hoặc bằng những cái gật, lắc.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Ông Ba hầu như chỉ ở trong phòng riêng. Đến giờ cơm, chị Trúc chuẩn bị một mâm cơm riêng cho ông với thức ăn được nêm nếm phù hợp với độ tuổi và bệnh tật.

    Cuộc sống hai người vừa già vừa bệnh dồn lên tấm lưng còng của bà Chín, trong khi sức khỏe bà cũng chịu sự mài mòn của tuổi tác.

    Phạm vi di chuyển của bà Chín bắt đầu thu hẹp lại, chỉ giới hạn trong cổng nhà, không còn thói quen mỗi sáng đi thể dục hay ghé nhà người quen tán gẫu, uống cà phê. Tối ngày loanh quanh nấu ăn, pha sữa, lau nhà, đổ bô vệ sinh. Những lúc kiệt sức, bà phải thuê người giúp việc theo giờ.

    Giữa ba người già hiếm khi có tiếng chuyện trò, chỉ nghe tiếng dép loẹt xoẹt và tiếng gậy chống lọc cọc trên nền gạch.

    Việc nhà cộng căn bệnh khớp thâm niên "vắt kiệt" sức già, kéo sụp đôi lưng của bà thấp xuống, đi phải vịn vào tường. Giữa năm 2023, bà bị chó cắn, tiêm 7 mũi, chân không nhấc khỏi giường. Nhưng bà cũng không dám kể với con gái ở xa.

    "Mình ráng làm chứ kêu con về thì lấy tiền đâu mà xài, lo cho gia đình", bà giải thích.

    [​IMG]
    Không gian của bà Chín quanh quẩn gồm tiệm tạp hóa, chiếc võng cùng tấm bằng mừng thọ.

    Kinh tế là nỗi ám ảnh thường xuyên của con gái bà. Mỗi tháng, tiền sinh hoạt, thuốc men của cả gia đình khoảng 10 triệu, chỉ trông vào thu nhập của vợ chồng chị Trúc, thường xuyên "thiếu trước hụt sau". Trong khi, ba người già chỉ có bà Tư đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội 500 nghìn đồng mỗi tháng, do trên 80 tuổi. Bà Chín chưa đủ tuổi, còn ông Ba mất giấy tờ tùy thân nên cũng không đủ điều kiện nhận trợ cấp.

    Bến Tre là tỉnh có chỉ số già hóa cao nhất ĐBSCL, lên tới 80% - tức cứ 5 trẻ em thì có 4 người trên 60 tuổi. Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở LĐTBXH Bến Tre, cho biết chi phí trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi chiếm 2/3 tổng chi ngân sách an sinh xã hội của tỉnh, khoảng 199 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chưa đủ để bao phủ cho gần 181.000 người cao tuổi. 67% trong số này không có lương hưu và trợ cấp xã hội, 15% thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, khuyết tật, sống một mình hoặc cùng người cao tuổi khác.

    Gánh nặng chăm sóc đặt lên vai thế hệ sau, buộc họ phải hy sinh để làm điểm tựa cho những người thân "gần đất xa trời".

    [​IMG]

    Hai năm làm giúp việc trên TP HCM, hễ được chồng báo tin mẹ đau chân, chị Trúc lại nóng ruột, "tối ngủ không được, cứ nôn về". Mỗi lần về thăm nhà, chị lại thấy mẹ gầy đi, chân bước thấp bước cao. Lúc lên xe quay ngược về thành phố, chị lặng khóc một mình.

    Tuy nhiên, công việc ở thành phố ổn định, thu nhập 8 triệu đồng mỗi tháng, không phải đầu tắt mặt tối như bán quán vỉa hè, hàng tháng được nghỉ phép. Có đồng ra đồng vào, lo được tiền thuốc men, bữa ăn của ba người lớn tuổi trong nhà cũng có thêm ly sữa, hũ yến bồi bổ.

    Chị Trúc cố ở lại thành phố, gom góp số vốn phòng khi mai này người thân ngả bóng. Nhưng cứ sau mỗi chuyến đi về, bắt gặp bóng lưng cúi rạp của mẹ, chị lại nặng lòng.

    "Mình cứ làm hoài, mai mốt nhỡ mẹ bệnh nặng, có chuyện gì lại hối hận", chị kể lại nỗi lo thường trực thời điểm đó.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Sau đợt bệnh nặng, bà Tư hóa trẻ con, lúc nào cũng cần người chăm sóc, chị Trúc không dám rời mắt. Tấm decal viết bút lông là phương tiện giao tiếp duy nhất giữa hai dì cháu.

    Tháng 1/2024, chị xin nghỉ việc, chính thức đổi vai cho mẹ - bà Chín, trở thành chỗ dựa mới cho ba cuộc đời đang về chặng cuối.

    Một năm chị Trúc ở nhà, gia đình đứt gánh kinh tế một đầu, áp lực dồn lên vai chồng. Khoản thu nhập đủ đặt thức ăn lên bàn mỗi ngày cho gia đình 6 người, nhưng không có phần phòng thân. Tiền mặt cạn dần những ngày cuối tháng.

    Hai tháng trước, bà Tư nôn ra máu. Chị mua thuốc cho bà uống thấy đỡ nên lần lữa đưa tới viện.

    "Mình sợ vô đóng tiền tạm ứng nhiều nên không đưa liền, trong khi chồng chưa tới kỳ lương", chị giãi bày.

    Nhưng quyết định ấy khiến chị day dứt suốt nhiều ngày. Tình trạng bà Tư cải thiện ít hôm thì đột ngột trở nặng, phải vào cấp cứu. Nhận câu hỏi từ bác sĩ vì sao người nhà mất máu nghiêm trọng mà không chở tới viện sớm, chị lúng túng giải thích, thầm tự trách mình. Không biết san sẻ cùng ai, chị chỉ biết cầu nguyện trước Phật cho vơi bớt nỗi lòng.

    [​IMG]
    Chị Trúc tự cắt tóc cho bà Tư tại nhà, tháng 12/2024.

    Khoảng 86% người cao tuổi hiện nay cần được chăm sóc hàng ngày và chủ yếu bởi người thân. Tuy nhiên, chỉ 2% trong số người chăm sóc gia đình được đào tạo kỹ năng cơ bản, theo báo cáo sức khỏe người cao tuổi Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, cùng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển.

    GS.TS Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phân tích hệ thống hưu trí của Việt Nam trước đây chỉ bao phủ nhóm công chức, sau năm 1995 mới mở rộng ra khối tư nhân. Nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, nhưng mức đóng giai đoạn trước khiêm tốn nên lương hưu hiện không đủ mức sống tối thiểu, phải phụ thuộc con cái.

    Trong khi đó, với người thân, đây là việc không được trả công, đòi hỏi phải hy sinh thời gian, sức lực, thậm chí cả sự nghiệp. Lâu dần, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Nghiên cứu của ông Long cùng các cộng sự năm 2024 cho thấy chăm sóc không chính thức có thể đưa đến những tác động tiêu cực tới người chăm sóc về tâm lý (7,3%), mức độ hài lòng cuộc sống (9,7%), và khả năng thực hiện các chức năng cá nhân hàng ngày (8,6%).

    "Cuộc sống loanh quanh trong nhà, không có người giao tiếp, khiến người chăm sóc rất dễ mệt mỏi, tạo thành sức ép ‘vô hình’ lên thể chất lẫn tinh thần. Đây là ‘cơn sóng ngầm’ khủng khiếp với người chăm sóc", ông Long nói.

    [​IMG]

    Hơn 20 năm nghiên cứu về già hóa dân số, GS.TS Giang Thanh Long nhận định, nguyên nhân chính thúc đẩy già hóa dân số ở Việt Nam là tỷ suất sinh giảm trong khi tuổi thọ tăng.

    Ở cấp độ địa phương, mỗi nơi bị chi phối bởi những yếu tố khác nhau. Ví dụ Thái Bình có chỉ số già hóa cao nhất cả nước, lý do cốt lõi là tỷ lệ xuất cư cao. Còn ở các tỉnh ĐBSCL, tác động chính đến từ tỷ lệ sinh thấp. Như Bến Tre, tỷ lệ người trên 60 tuổi hiện chiếm 17,5% trong tổng gần 1,3 triệu dân, nhưng tổng tỷ suất sinh là 1,62% - thuộc nhóm thấp nhất cả nước, theo Tổng cục Thống kê năm 2023.

    [​IMG]
    Các chị em trong gia đình ngồi chơi tại nhà em gái bà Chín, tháng 12/2024. Đại gia đình cả ngày hầu như không có bóng trẻ em.

    "Vấn đề của người cao tuổi Việt Nam là chất lượng cuộc sống không cao. Tỷ lệ lão hóa khỏe mạnh ở Việt Nam thấp hơn thế giới rất nhiều", PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), phân tích.

    35 năm làm bác sĩ, PGS Thanh thấy rõ tốc độ già hóa dân số thông qua số lượng bệnh nhân đến điều trị. Ông kể khoảng 10 năm trước, Bệnh viện Thống nhất (TP HCM) chỉ khám hơn 1.000 bệnh nhân một ngày, nhưng giờ, con số này tăng lên 4.000 lượt ngoại trú và 1.100-1.200 lượt nội trú. Đây là một trong những trung tâm điều trị người cao tuổi lớn nhất Việt Nam. BS Thanh dẫn chứng, nhiều người tuổi cao Việt Nam nằm liệt giường, không thể tự chăm sóc. Trong khi tại Nhật Bản, các cụ già 70-80 tuổi vẫn có thể làm những công việc đòi hỏi nhiều sức lực như hướng dẫn viên du lịch...

    Theo số liệu năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ bình quân cả nước là 74,7, tăng 9 tuổi so với năm 1993. Số tuổi thọ của Việt Nam tiệm cận những nước thu nhập trung bình cao (75,9 tuổi), và cao hơn 6 năm so với các nước thu nhập trung bình thấp (dưới 4.515 USD/năm, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới). Tuy nhiên, số năm trung bình sống khỏe mạnh của Việt Nam chỉ đạt 65,4 tuổi, theo số liệu năm 2021. Tỷ lệ năm phải sống chung với bệnh tật chiếm 11,45% tuổi thọ, đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

    Theo BS Thanh, tỷ lệ bệnh lý ở người cao tuổi rất cao, đặc biệt các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, thận. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện hiện chưa đủ đơn vị lão khoa để đáp ứng nhu cầu điều trị và phục hồi chức năng chuyên sâu. Hiện, cả nước mới có một Bệnh viện Lão khoa chuyên biệt cấp Trung ương tại Hà Nội và một cấp tỉnh ở Quảng Ninh.

    Trong bối cảnh chỉ số già hóa tăng nhanh top 10 thế giới, khoản chi cho y tế bình quân trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, hiện chỉ 189 USD mỗi năm, theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022. Đơn cử, Malaysia có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi thấp hơn Việt Nam (7,2% so với 8,2%), nhưng khoản chi tiêu bình quân đầu người cho y tế gấp 2,4 lần.

    Theo GS.TS Giang Thanh Long, nguyên nhân là quy mô thu nhập bình quân đầu người Việt Nam mới ở mức trung bình, mức đóng bảo hiểm y tế thấp nên chi cho y tế cũng thấp. Thêm vào đó, nhiều loại thuốc và thiết bị y tế vẫn phải nhập khẩu theo mức giá quốc tế, trong khi quỹ bảo hiểm lại có hạn.

    "Mức chi cho y tế của chúng ta chắc chắn sẽ tăng khi tỷ lệ người già nhiều hơn, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp lại có xu hướng trẻ hóa", GS Long nói.

    PGS Lê Đình Thanh cảnh báo, già hóa dân số không chỉ là gánh nặng y tế mà còn là áp lực với toàn xã hội. Mất mát gián tiếp là nguồn lực xã hội bị ảnh hưởng khi mỗi người già kéo theo ít nhất một người chăm sóc. Lực lượng lao động lớn rời thị trường, trong khi gánh nặng về chi phí chăm sóc và điều trị tăng.

    "Nếu không chuẩn bị từ sớm thì khi xã hội chính thức bước vào già hóa, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, không chỉ vấn đề y tế", ông cảnh báo.

    Từ ngày đón ông Ba về, Tết này sẽ là năm đầu tiên bà Chín được hưởng một cái Tết trọn vẹn, không phải thấp thỏm nỗi lo một mình làm trụ cột cho hai anh chị lớn tuổi. Con gái về, bà Chín có chỗ tựa, được thảnh thơi với quán tạp hóa trước nhà.

    Còn chị Trúc mang một dự cảm bất an về tương lai.

    Chỉ còn 10 năm nữa, chị cũng sẽ bước vào ngưỡng già. Chị chưa chuẩn bị gì cho cột mốc ấy. Không lương hưu, cũng không tích luỹ, chị sợ vòng lặp sẽ trở lại giống như ba người lớn tuổi trong nhà. Khi tuổi già ập đến, vợ chồng chị chỉ còn biết trông cậy vào người con duy nhất, và khoản trợ giúp ít ỏi của Nhà nước khi chạm mốc 80.

    [​IMG]
    Cả ngày, ông Ba, bà Chín chỉ luẩn quẩn trong nhà từ sáng đến tối, vòng lặp mỗi ngày không thay đổi.

    Nội dung: Mây Trinh - Lê Phương - Việt Đức
    Ảnh: Khương Nguyễn
    Đồ họa: Hoàng Chương

    Bài 3: Chuẩn bị cho tuổi già


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Già không điểm tựa

Share This Page