Năm 2024, tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 74,7 tuổi, cao so với các nước cùng mức sống, song số năm sống với bệnh tật lớn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Thông tin được Bộ Y tế nêu trong tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe. Trước đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo Bộ Y tế, Việt Nam có mạng lưới y tế rộng khắp, đạt nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe như tăng tuổi thọ, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Dù vậy, chất lượng sống còn hạn chế. Trung bình, mỗi người Việt sống khoảng 10 năm với bệnh tật, làm giảm số năm sống khỏe mạnh. Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5, nữ giới đứng thứ 2, nhưng số năm bệnh tật lại cao. Ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thứ nhất là chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao, trong khi thừa cân, béo phì gia tăng. Nhiều trẻ thiếu vitamin A và vi chất, ảnh hưởng đến phát triển thể lực, tầm vóc và làm tăng bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm tăng, chiếm hơn 2/3 gánh nặng bệnh tật và tử vong. Nguyên nhân chính là hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều muối, ít rau xanh, trái cây và lười vận động. Khoảng 1/5 dân số bị thừa cân, 44% người trưởng thành có cholesterol cao. Đặc biệt, 15,3% người từ 40-69 tuổi có nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong 10 năm tới, nhưng chỉ 40,8% được tư vấn phòng ngừa. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cũng làm tăng bệnh tật và số ca nhập viện. Bộ Y tế nhận định hệ thống pháp lý về dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm còn thiếu, trong khi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành từ năm 2007 đã lỗi thời. Sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A/H1N1, Covid-19, đậu mùa khỉ... đòi hỏi luật pháp linh hoạt hơn để ứng phó hiệu quả. Với quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, tập trung vào 5 chính sách: bắt buộc tiêm vaccine cho người có nguy cơ tại vùng dịch; dinh dưỡng và sức khỏe; phòng chống rối loạn tâm thần; phòng chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe người dân. Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh việc sớm ban hành Luật Phòng bệnh sẽ giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, cải thiện thể chất, tinh thần, tầm vóc và chất lượng sống của người Việt, đồng thời tăng hiệu quả vận hành hệ thống y tế. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress