Phục hồi chức năng đóng vai trò then chốt giúp vận động viên lấy lại phong độ, giảm đau và phòng ngừa chấn thương tái phát. Cầu thủ Nguyễn Xuân Son bị gãy kín phức tạp 1/3 giữa thân hai xương cẳng chân, có mảnh rời lớn trong trận chung kết ASEAN Cup tại Thái Lan ngày 5/1. Theo bác sĩ Trần Trung Dũng, Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình Vinmec, sau phẫu thuật, cầu thủ đã có thể di chuyển bằng nạng và bắt đầu vật lý trị liệu kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp. ThS.BS Calvin Q Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng HMR, cho biết chấn thương thể thao thường xảy ra do hoạt động cường độ cao. Các dạng phổ biến gồm bong gân, căng cơ, gãy xương và trật khớp, nguyên nhân từ việc luyện tập quá sức, kỹ thuật kém hoặc khởi động không đủ... Để kiểm soát chấn thương, phương pháp RICE được khuyến nghị: nghỉ ngơi (Rest), chườm đá (Ice), băng ép (Compress) và nâng đỡ (Elevation). Ngoài ra, có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc các liệu pháp như châm cứu, vật lý trị liệu. Các bài tập phục hồi chức năng cho chấn thương thể thao thường tập trung vào việc cải thiện sức mạnh, độ linh hoạt, mức phản xạ, cân bằng và sức bền. Các bài tập này được thiết kế riêng cho từng loại chấn thương và nhu cầu của từng cá nhân. Chẳng hạn đối với chấn thương của cầu thủ Xuân Son, có thể bao gồm các hoạt động co cơ đẳng trường trong thời gian bất động để chống teo cơ. Sau khi lành xương, các bài tập như kéo giãn các cơ vùng cẳng chân và đùi, tập kháng lực để tăng sức mạnh cơ chi dưới, lấy lại biên độ vận động của khớp gối và cổ chân. Đồng thời tái lập cân bằng cơ sau chấn thương và các chuyển động chức năng mô phỏng hành động cụ thể của bóng đá bao gồm cả phản xạ và sự nhanh nhẹn như đón bóng, lừa bóng. Bên cạnh đó, cũng có phác đồ tập luyện cho chân không tổn thương và các phần khác của cơ thể. Hỗ trợ chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chấn thương thể thao. Ngoài nhân viên phục hồi chức năng và huấn luyện viên thể thao, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác như dinh dưỡng, tâm lý sẽ cung cấp hướng dẫn chuyên môn trong suốt quá trình phục hồi. Họ đánh giá mức độ chấn thương, lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, theo dõi chặt chẽ tiến trình và điều chỉnh khi cần thiết để tạo điều kiện cho việc trở lại các hoạt động thể thao an toàn. Ngoài ra, nghỉ ngơi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau chấn thương thể thao. Vận động viên cần cho cơ thể thời gian để chữa lành mà không gây áp lực không cần thiết lên vùng bị thương. Các vận động viên nên lắng nghe cơ thể của mình và không vội vàng quay lại hoạt động thể chất cường độ cao quá sớm. Việc dần dần đưa vận động và tập luyện trở lại dưới sự hướng dẫn của chuyên gia có thể giúp ngăn ngừa chấn thương tái phát. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress