Đưa thi thể con trai Nguyễn Phước Kiệt, 18 tuổi, về quê An Giang an táng sau khi hiến tạng cứu 7 người, chị Nhí Em đối diện với những lời hàng xóm xầm xì nghi ngờ "bán tạng con kiếm tiền". "Tôi lủi thủi trong nhà, suy nghĩ câu nói của người ta rồi khóc chứ không biết nói gì, giải thích cũng không ai hiểu", chị Nguyễn Thị Hồng Nhí Em, nói khi đến TP HCM dự lễ tri ân và truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ Y tế, do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức, chiều 7/1. Hơn một tháng sau khi con trai duy nhất qua đời, chị Em chồng chất nỗi đau. Dư luận xung quanh càng khiến chị kiệt quệ, ngày ngày chỉ biết quanh quẩn bên di ảnh con trong ngôi nhà tại ấp Tấn Thạnh, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Điều an ủi duy nhất là các thành viên trong gia đình, ông bà, cô chú của Kiệt đều hiểu và động viên vợ chồng chị. Kiệt bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu, nhập cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất tối 17/11. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng chàng trai không còn cơ hội sống. Khi được các y bác sĩ giải thích về việc hiến tạng, chị Em ban đầu không đồng ý. Sau đó, chị gọi điện trao đổi cùng người thân, quyết định "nén đau thương hiến tạng con cứu những người khác, làm việc phước đức giúp con nhanh siêu thoát". Chị Nhí Em tại lễ tri ân ở Bệnh viện Thống Nhất, chiều 7/1. Ảnh: Lê Phương Sáng 24/11, sau khi cúi đầu tri ân chàng trai, các y bác sĩ phẫu thuật lấy các mô tạng ra khỏi cơ thể và chuyển đi các trung tâm ghép tạng khắp ba miền. Hai quả thận được ghép cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Thống Nhất. Trái tim và một phần gan được chuyển ra Hà Nội ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Một phần gan được tách ra, ghép cho bệnh nhi 3 tuổi, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Hai giác mạc chuyển ra miền Trung ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các bệnh nhân sau ghép đều hồi phục tốt, đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Chị Em cho biết từng loáng thoáng nghe đến việc hiến tạng cứu người trên tivi, điện thoại, không nghĩ có ngày mình ở trong tình huống này. Tuy nhiên, hàng xóm ở quê chưa biết nhiều đến chuyện này, khiến chị rơi vào cảnh bị hàm oan. Sau khi nhận được bằng khen và kỷ niệm chương, chị sẽ mang về treo ở nhà, hy vọng mọi người "không còn nghĩ gia đình tôi như vậy". PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, bày tỏ cảm kích vì nghĩa cử cao đẹp của gia đình Kiệt không chỉ giúp hồi sinh cuộc đời 7 bệnh nhân mà còn góp phần lan tỏa hành động đẹp của xã hội. "Một ngọn nến tắt đi nhưng nhiều cuộc đời đã được thắp sáng", phó giáo sư Thanh nói. Chị Nhí Em cùng các thành viên trong gia đình nhận bằng khen, kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" tại Bệnh viện Thống Nhất, chiều 7/1. Ảnh: Lê Phương Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 41 ca hiến tạng từ người chết não, cao nhất từ trước đến nay và gấp 4 lần năm 2023. Tỷ lệ ghép tạng từ nguồn này tăng lên 12% so với mức 5% trước đây, nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định số người hiến tạng chết não vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, danh sách chờ ghép tạng còn rất dài, và mỗi ngày nhiều bệnh nhân không được ghép tạng kịp thời. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress